Multimedia Đọc Báo in

Nơi che chở những phận đời bất hạnh

10:17, 14/06/2011

Giữa chốn cửa thiền, những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa lại tìm đến đây để được cưu mang, che chở và sống tiếp phần đời còn lại. Cơ sở tình thương chùa Bửu Thắng (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) là nơi cưu mang hơn 170 cụ già nghèo khó, cô đơn và những đứa trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh, các vùng lân cận…

Những mảnh đời bất hạnh...
Một chiều cuối tháng 5, đến thăm chùa Bửu Thắng, gặp sư cô Thích nữ Huệ Hướng - trụ trì chùa và là người trực tiếp đứng ra cưu mang những người già, trẻ bất hạnh - đang bồng một đứa trẻ trên tay, sư nói: “Đứa trẻ này sư nhặt được trong thùng mì tôm, quấn bọc vải áo nơi gốc đa cổng chùa vào một buổi sáng sớm, bé chưa rụng rốn, trên tóc còn dính một vệt máu đỏ dài, sư đoán chắc đứa trẻ bất hạnh này chào đời chưa đến 10 ngày. Sư cưu mang, chăm bẵm và đặt tên là Phước Huy, giờ, Phước Huy cũng đã đầy 4 tháng, không sữa mẹ nhưng bụ bẫm và đáng yêu…”. Không đến nỗi bất hạnh khi vừa mới chào đời như bé Phước Huy, nhưng hoàn cảnh của anh em nhà Phạm Vũ cũng đáng thương. Bố bị tâm thần, mẹ mất, không còn ai để nương tựa, 4 anh em được sư Huệ Hướng nhận về, nuôi nấng, cho ăn học đàng hoàng…  Lai lịch của mỗi đứa trẻ vào đây nghe kể ra mà thật buồn, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa bị mẹ bỏ đi sau khi sinh trong bệnh viện hoặc một sinh linh nhỏ bé vô tội nằm đó trước cổng nhà chùa, chỉ còn  biết cất tiếng khóc thét để giành lấy sự sống… Sư nhận về nuôi, chăm bẵm và đặt cho một cái tên để gọi. Chúng lấy theo họ Huỳnh của sư Huệ Hướng và đều có cái tên đệm là “Phước” như một cơ duyên với nhà Phật và niềm tâm ước của sư cô gửi gắm, mong cuộc đời chúng bình lặng và thuần phước hơn: Phước Hậu, Phước Hiền, Phước Thuận... Khuôn viên nhà chùa rộng hơn 500 m2 là chỗ trú ngụ cho 100 đứa trẻ, đứa lớn nhất đã vào đại học, đứa nhỏ nhất mới tròn một tháng, đứa chập chững tập đi hay ở tuổi bồng tuổi bế đều đủ cả. Những đứa trẻ sớm nương nhờ nơi cửa Phật lớn lên chỉ biết gia đình mình chính là ngôi chùa này, chúng cùng gọi sư Huệ Hướng là “thầy”. Sư Huệ Hướng phân ra thành từng khu: khu sơ sinh, khu mẫu giáo, khu thanh thiếu nhi và cả khu tâm thần, dành cho những đứa trẻ bị bại não, liệt toàn thân… để tiện cho việc chăm sóc. Hằng ngày, sư cùng với vài người phụ nữ khác, đảm nhận việc trông coi, nấu ăn, giặt giũ cho các cháu.  Ở chùa, mọi sinh hoạt: ăn trưa, thức dậy, học bài… đều theo tiếng kẻng. Sư cô tự tay đo đạc, may tấm áo tràng, áo vạt hò cho mỗi đứa. Vất vả nhất vẫn là việc chăm sóc ở khu sơ sinh.  Gần 20 cháu nhỏ mà chỉ có sư cô cùng  hai người phụ nữ nữa chăm sóc, có cháu chỉ tròn 1 tháng, lớn thì độ 4 tháng tuổi, uống sữa ngoài để sống, lớn lên không một tiếng gọi mẹ. Nhiều đêm, có đến 2, 3 cháu nóng sốt một lúc, khóc inh ỏi, phải lo thuốc men khó khăn lắm sư cô mới xoay sở được…

Sư cô Thích nữ Huệ Hướng đang cho các cháu ăn cơm.
Sư cô Thích nữ Huệ Hướng đang cho các cháu ăn cơm.

...Về nơi cửa thiền rộng mở
Những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh đều tìm đến đây để được cưu mang, nương tựa, tiếp thêm nghị lực sống. Theo từng mùa an cư, những đứa trẻ nơi cửa thiền lớn lên, đã biết tự giặt tấm áo, đút cho em nhỏ hơn từng thìa cháo nấm và tự ý thức, bảo ban nhau học hành. Mọi chi phí nuôi nấng, lo cho các cháu đi học ngoài nguồn thu nhập từ vài héc-ta mía sư trồng gần chùa, còn lại đều trông chờ vào sự giúp sức của những tấm lòng nhân ái. Ở với sư Huệ Hướng, các cháu đều được học hành, đến nay, đã có em đã vào được cao đẳng, có em theo học các nghề: may, sửa chữa điện thoại di động, kết cườm… Mỗi đứa trẻ sư “nhặt” về trong một hoàn cảnh đặc biệt, thành ra, lớn lên cũng chẳng biết mình sinh ngày, giờ, tháng, năm nào. Sư Huệ Hướng lấy ngày, giờ tìm đến chốn cửa Phật để làm ngày sinh cho chúng. Mỗi năm, sư đều lấy ngày 1-1 làm sinh nhật chung cho tất cả trẻ bất hạnh trong chùa. Khả năng của sư cô chỉ có thể mua một chiếc bánh ga-tô nho nhỏ, quà bánh xin hạ từ trên bàn thờ Phật lấy xuống để mừng tuổi hồng cho các con.  Một cây nến to được thắp lên ở chính giữa, cả mấy chục mái đầu để chỏm còn vắt một vỏm tóc dài ra sau tai, cùng nhau chụm lại thổi nến mừng sinh nhật. Từ đó đến nay, đã mấy năm trôi qua, bao nhiêu dịp sinh nhật, sư cô ngồi đếm tuổi cho các con bằng hồi ức từng đứa một cô “nhặt về” trong hoàn cảnh nào… Như thấu hiểu được hoàn cảnh của mình, những đứa trẻ lớn lên đều chăm ngoan, nghe lời sư cô và chịu khó học hành. Giờ, 4 anh em nhà Phạm Vũ, người anh cả là Phạm Vũ và  chị gái lớn Mỹ Hạnh đã lập gia đình,  có kinh tế ổn định, thường xuyên lui tới chùa để giúp sư cô việc chăm sóc các em. Ngoài những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, ở chùa Bửu Thắng còn có một khuôn viên nhỏ như “Viện dưỡng lão” dành cho người già. Hiện, có trên 50 người già bất hạnh, không nơi nương tựa đã tìm đến đây để sống tiếp quãng đời còn lại của mình.  Có những người còn đi lại được bình thường, sáng ra biết tập thể dục, ra vườn nhặt nhạnh cây cỏ, cũng có người nằm liệt giường với chế độ chăm sóc đặc biệt. Sư cô phải thuê hẳn một người chuyên trách chăm nom, lo việc tắm giặt, ăn uống và mọi sinh hoạt tối thiểu nhất. Tất cả họ, dù không quen biết nhưng gặp nhau chốn cửa thiền, kết bầu bạn, cùng vui vầy, an ủi nhau lúc tuổi già. Giữa cái chỏng chơ của tuổi già, các cụ  tìm thấy một nguồn sống mới, nơi mà họ được cưu mang và an dưỡng đến phút cuối cuộc đời. Có những cụ bà đến lúc lâm chung mà không có thân nhân đến nhận, sư cô lo an táng và chôn cất chu đáo. Tâm nguyện của sư cô Huệ Hướng gửi gắm sau những việc làm đầy nghĩa đạo tình người là việc chăm sóc các cụ nơi cửa Phật, không chỉ đơn thuần là lo miếng cơm, tấm áo mà còn phải làm sao để tuổi xế chiều, các cụ cảm nhận một mái ấm đầy tình thân,  một khoảng đời thanh thản và thấy được an ủi ít nhiều…

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.