Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động

08:17, 09/07/2021

Để giúp doanh nghiệp (DN) và người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát đầu năm 2021, nhiều giải pháp đã được Chính phủ và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhằm mang lại hiệu quả hỗ trợ thiết thực nhất.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, tính đến 30-6, trên địa bàn tỉnh có 10.781 DN đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù các địa phương, DN trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch COVID-19, nhưng toàn tỉnh vẫn có 573 DN đăng ký thành lập mới.

Đáng chú ý là số DN quay trở lại hoạt động tăng 63,69% cho thấy tín hiệu tích cực của việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN của tỉnh. Bên cạnh đó, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm tuy giảm, nhưng tổng vốn điều lệ đăng ký tăng 60% so với cùng kỳ do có nhiều DN quy mô lớn đăng ký hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Công nhân làm việc tại một công ty trong Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).
Công nhân làm việc tại một công ty trong Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Để trợ lực cho DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm đến công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư. Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh theo mô hình xã hội hóa.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 1-1-2021 của Chính phủ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN tiếp tục được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư  hơn 10.238 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 10.140 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ khách hàng, DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tiến hành miễn giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ, khoanh nợ và tăng vốn vay ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lùi thời gian trả nợ cho 1.452 khách hàng, với dư nợ trên 500 tỷ đồng. Trong đó giữ nguyên nhóm nợ không bị chuyển sang nợ xấu lũy kế là 1.134 khách hàng, tổng vốn vay là trên 287 tỷ đồng.

Cùng với việc triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19, các sở, ngành trên địa bàn cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh như: giãn thuế, hỗ trợ tiêu thụ nông sản…

Thêm chính sách hỗ trợ

Ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68).

Nội dung của Nghị quyết 68 bao gồm 12 chính sách hỗ trợ người lao động, DN, hộ kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó, đối với người sử dụng lao động sẽ được áp dụng các chính sách: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, DN, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên và người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Đắk Lắk.
 
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội”.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Đối với người lao động sẽ được áp dụng các chính sách như: hỗ trợ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, Sở đã kịp thời phác thảo dự thảo về các chính sách hỗ trợ người lao động gửi các sở, ngành góp ý. Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 68 để các chính sách hỗ trợ người lao động sớm đi vào cuộc sống và bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Nghị quyết 68 của Chính phủ được xem là trợ lực cho các DN, người lao động và kỳ vọng sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Khả Lê


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.