Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới cho chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Cư M'gar

06:29, 07/07/2021

Trong giai đoạn mới, xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi là phát triển theo hướng công nghiệp với quy mô lớn. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng.

Ở huyện Cư M'gar, người chăn nuôi nhỏ lẻ đang từng bước thay đổi phương thức sản xuất để chủ động thích ứng với tình hình, tạo thế đứng vững chắc trên thị trường và cơ hội tăng thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh ngay chính trong "cơn bão" dịch tả heo châu Phi.

“Trụ vững” giữa tâm dịch

Hơn hai năm nay, khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, gây thiệt hại nặng nề khiến không ít hộ chăn nuôi trên địa bàn không dám gây đàn hoặc bỏ trống chuồng trại. Thế nhưng có nhiều hộ vẫn kiên trì "bám chuồng" để phát triển đàn.

Theo anh Lê Anh Đức (xã Ea Kpam), chăn nuôi thời điểm này đối mặt với nhiều nguy cơ thua lỗ do chi phí con giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, rủi ro do dịch bệnh lớn… Song với lợi thế chuồng trại nằm cách xa khu dân cư, được đầu tư hệ thống bán lạnh, anh vẫn duy trì đàn heo gồm 20 con nái và 60 con thịt. Thời gian này, anh thực hiện phòng dịch bài bản hơn.

Anh Đức chia sẻ, mấy đợt dịch bùng phát trên địa bàn, chuồng trại của anh may mắn không bị ảnh hưởng gì vì nằm sâu bên trong khu vực rẫy, cách xa nhà dân. Cùng với đó, khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng được anh thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Ngoài rắc vôi bột hằng ngày thì mỗi tuần anh phun thuốc khử trùng một lần và hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào khu vực chăn nuôi. Đó là những biện pháp hữu hiệu nhất mà anh có thể làm để bảo vệ đàn heo khỏi dịch bệnh.

Trại chăn nuôi của hộ anh Lê Anh Đức (xã Ea Kpam) vẫn duy trì tốt đàn heo giữa tâm dịch.
Trại chăn nuôi của hộ anh Lê Anh Đức (xã Ea Kpam) vẫn duy trì tốt đàn heo giữa tâm dịch.

Tương tự, trong khi nhiều hộ chăn nuôi khác e ngại đầu tư lứa mới thì anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú) vẫn mạnh dạn gây đàn. Dịch bệnh vẫn khó lường nhưng trong chuồng trại của anh lúc nào cũng duy trì đàn heo hơn 120 con, cả heo thịt và heo nái dự bị.

Theo anh Huệ, nếu làm tốt khâu phòng dịch, tiêm vắc xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ ít hơn. Đặc biệt, anh không cho đàn heo tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài bằng cách kiểm soát chặt việc không cho người lạ ra vào chuồng nuôi; xung quanh khu vực chăn nuôi được rào lưới cẩn thận để chống côn trùng. Sau mỗi lứa heo xuất chuồng, anh vệ sinh chuồng, rải vôi bột khử trùng và để một thời gian ngắn sau mới thả con giống cho vụ nuôi kế tiếp. Vì vậy, khi dịch bệnh xuất hiện tại các địa phương lân cận, gia đình anh vẫn yên tâm phát triển đàn.

Chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn dịch

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar, giai đoạn phát triển mới, chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn và áp lực cạnh tranh hơn. Do đó, người chăn nuôi phải thay đổi để thích ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để tồn tại trong giai đoạn hiện nay, hộ chăn nuôi cần phải quan tâm đầu tư chuồng trại hơn và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững.

Xác định rõ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung toàn lực trong công tác phòng, chống dịch và từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người chăn nuôi. Các ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng khắp; cán bộ thú y cơ sở tăng cường bám sát địa bàn, tư vấn cho hộ chăn nuôi về triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh dịch, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, kịp thời phát hiện, giúp dân xử lý ổ dịch ở những vùng trọng điểm; chú trọng đến khâu kiểm soát vận chuyển heo ra vào địa bàn...

Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh tốt nhất, ngành chăn nuôi huyện khuyến khích các nông hộ cần phải sản xuất chuyên nghiệp hơn, trong đó, chăn nuôi sinh học cần được áp dụng rộng rãi. Chính việc được kiểm soát từ con giống, thức ăn, quy trình phòng bệnh, chăm sóc, chuồng trại đầu tư bài bản, vệ sinh sạch sẽ đã bảo vệ vật nuôi tốt hơn khi dịch xảy ra.

Anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú) tuân thủ kỹ khâu vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh  cho đàn heo.
Anh Nguyễn Đại Huệ (thị trấn Quảng Phú) tuân thủ kỹ khâu vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại để phòng dịch bệnh cho đàn heo.

Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch đang là hướng đi được nhiều nông hộ chủ động thực hiện trên đàn vật nuôi của mình. Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, trong quý 2-2021, chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư M’gar phát triển ổn định, riêng đàn heo có 25.198 con, với 17 trang trại nuôi tập trung, còn lại là chăn nuôi theo hình thức nông hộ.

Nhờ nắm chắc phương thức chăn nuôi, áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học mà đàn heo ở nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không bị dịch bệnh, lại bán được giá cao nên tăng nguồn thu. Từ đó giúp nhiều hộ nông dân ở địa phương đổi mới cách nghĩ, cách làm, sáng tạo trong việc vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M’gar cho hay, hiện người chăn nuôi trên địa bàn đang nỗ lực khôi phục đàn, từng bước chăn nuôi bài bản hơn, bảo đảm an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo. Ngành thú y huyện cũng khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục chủ động, duy trì các biện pháp vệ sinh chuồng trại và tăng sức đề kháng cho đàn heo, hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Đỗ Lan


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.