Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp cùng liên kết để phát triển du lịch

10:19, 08/12/2018

Hầu hết các sản phẩm du lịch Đắk Lắk được nhiều người biết đến thông qua công tác xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ bằng nhiều hình thức, trong đó việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) cùng ngành nghề để mời gọi và thu hút ngày càng nhiều du khách là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao cho “ngành công nghiệp không khói” ở đây.

Thời gian gần đây, các DN làm du lịch trên địa bàn đã chủ động liên kết với nhau - và hơn thế là tự nỗ lực “tiếp thị” để tìm kiếm, thu hút du khách đang được Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk cũng như Hiệp hội Du lịch tỉnh quan tâm và thúc đẩy.

Diễn tấu cồng chiêng - sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.
Diễn tấu cồng chiêng - sản phẩm du lịch đặc thù của Đắk Lắk.

Ông Đinh Một, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch Đắk Lắk cho biết, năm 2018 đã có ít nhất 4 đợt tổ chức cho các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tìm hiểu, trao đổi và hợp tác với nhiều đối tác ở khu vực phía Bắc cũng như miền Trung và Nam bộ nhằm tìm giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển ngành kinh tế quan trọng này ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Văn hóa - Sinh thái cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) ghi nhận: Mỗi chuyến “tiếp thị” như vậy, các DN tự xây dựng nội dung, chương trình cho mình dựa trên sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh cao. Chẳng hạn, các đơn vị làm du lịch ở Buôn Đôn, Hồ Lắk thì ưu tiên giới thiệu về sản phẩm du lịch cưỡi voi, thám hiểm rừng già và chinh phục các ngọn thác, đỉnh núi. Còn những đơn vị làm du lịch ở TP. Buôn Ma Thuột và các vùng trọng điểm khác, như Công ty Du lịch - Thương mại Đam San, Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk, Banmeco và hàng chục hãng lữ hành nội địa thì tích cực quảng bá, cam kết với đối tác một số sản phẩm mới mẻ, giàu bản sắc hơn như các tour trải nghiệm với cà phê, điền dã đến các buôn làng truyền thống của các dân tộc thiểu số để được sống và sinh hoạt trong không gian văn hóa - lịch sử của cư dân tại chỗ.

 

“Để hướng đến điều đó, rất cần ý thức của mỗi DN khi bắt tay xây dựng, hoạch định cho từng sản phẩm du lịch cũng như chiến lược kinh doanh của mình. Phải lấy yếu tố lợi thế cạnh tranh làm đầu, nhất quyết từ bỏ ý nghĩ “người ta làm được, mình cũng làm được”, hoặc làm theo kiểu đua nhau một cách thiếu cân nhắc, tính toán”.

 
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Văn hóa - Sinh thái cộng đồng Kô Tam

Theo Trung tâm Thông tin - Xúc tiến Du lịch Đắk Lắk, phương tiện chuyển tải “thông điệp” của từng DN làm du lịch ở Đắk Lắk đến với đối tác phụ thuộc vào điều kiện, kinh nghiệm của từng đơn vị, song hầu hết đã trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn. Ngoài hình ảnh minh họa cho các tour - tuyến được in ấn nổi bật, sang trọng gửi đến khách hàng, còn có cả những đĩa CD được đầu tư, dàn dựng công phu, có chiều sâu nhằm thu hút du khách. Điều đó được thể hiện trong hai đợt khảo sát, kết nối du lịch gần đây giữa Đắk Lắk với Nghệ An - Hà Tĩnh và các tỉnh đồng bằng Nam bộ hồi tháng 8 và tháng 11-2018, hầu hết các DN đều đưa ra chiến lược kinh doanh, thông tin sản phẩm rõ ràng nhằm xây dựng niềm tin với đối tác, kích cầu du khách ở các vùng miền trên đến với Đắk Lắk và ngược lại. 

Phần lớn các đơn vị làm du lịch ở đây cho rằng, qua những dịp như thế mới thấy sự hợp tác, chia sẻ với nhau trên các phương diện: lượng khách, cơ sở lưu trú, xây dựng sản phẩm cạnh tranh, lợi nhuận mang lại… là điều hết sức cần thiết và bổ ích. Ví như ở Đắk Lắk hiện nay có hơn 20 công ty lữ hành, chuyên đưa - đón, giới thiệu và phân phối lượng khách cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn, nên sự kết nối với nhau trong những hoạt động trên là rất quan trọng, bởi qua đó giúp du khách chọn điểm đến một cách dễ dàng, thuận lợi hơn trong quỹ thời gian nhất định của mình.

Ông Nguyễn Trụ (Công ty Du lịch Thanh Hà) lấy ví dụ:  Muốn cưỡi voi, thưởng ngoạn danh thắng, ăn ngủ và sinh hoạt trong các gia đình người M’nông, Êđê, Lào (trong thời gian 1 đêm 2 ngày) thì đến khu du lịch Hồ Lắk, Buôn  Đôn; muốn trải nghiệm với văn hóa cà phê, hay các dịch vụ giải trí, mua sắm khác thì tìm đến Dam San, Banmeco, Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hay Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê (Krông Ana)...

Du khách đến Khu du lịch thác Dray Nur tăng mạnh trong năm 2017-2018 nhờ công tác xúc tiến, quảng bá  của các doanh nghiệp được chú trọng.
Du khách đến Khu du lịch thác Dray Nur tăng mạnh trong năm 2017-2018 nhờ công tác xúc tiến, quảng bá của các doanh nghiệp được chú trọng.

Tùy thời gian lưu trú, nhu cầu khám phá và khả năng tài chính của du khách để các đơn vị làm du lịch ở đây có sự điều phối, phân bố hợp lý nhằm hướng đến mục tiêu chia sẻ lợi ích cho nhau và tạo ra bức tranh du lịch đa sắc màu, hấp dẫn mà không chồng chéo và trùng lặp.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.