Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi mô hình sản xuất gạch ở Krông Ana: Cần một lộ trình phù hợp

09:17, 16/06/2017

Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung, thời gian qua huyện Krông Ana đã có những động thái tích cực. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi mô hình sản xuất đang đặt ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương.

Từ những năm 1980, huyện Krông Ana đã hình thành các cơ sở sản xuất gạch sử dụng lò đốt thủ công. Kể từ đó, hoạt động sản xuất gạch là một ngành tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh của huyện, đóng góp đáng kể về nguồn nguyên liệu gạch cho các công trình xây dựng từ huyện đến tỉnh. Đến năm 2008, thực hiện chủ trương của tỉnh, các doanh nghiệp, chủ lò gạch trên địa bàn huyện đã đầu tư để chuyển đổi xong các cơ sở sản xuất gạch từ đốt củi sang công nghệ lò nung đứng (đốt than đá) liên tục. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 67 cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ lò nung đứng liên tục, trong đó có 9 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 57 hộ sản xuất. Các cơ sở sản xuất gạch tập trung chủ yếu ở thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Bông, với sản lượng 260 triệu viên/năm, cung cấp đủ cho nhu cầu xây dựng của huyện, ngoài ra còn xuất đi các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh, về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu phế liệu ngành nông nghiệp, thì các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư, nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng sẽ không được tiếp tục đầu tư, bắt buộc phải chuyển sang đầu tư bằng công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch xây không nung. Đáng chú ý là đối với các cơ sở đang hoạt động hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng chỉ được phép hoạt động đến năm 2020, sau thời hạn trên phải chuyển đổi sang công nghệ lò tuynel hoặc chuyển sang sản xuất gạch xây không nung. Lộ trình này đã khiến các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện đứng trước những khó khăn rất lớn.

Một cơ sở sản xuất gạch nung tại xã Ea Bông
Một cơ sở sản xuất gạch nung tại xã Ea Bông.

Theo một số chủ lò gạch tại thị trấn Buôn Trấp, thực hiện chủ trương của tỉnh, họ đã đầu tư để chuyển đổi mô hình sản xuất gạch từ đốt củi sang công nghệ lò nung đứng (đốt than đá) liên tục. Bên cạnh các khoản đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, kinh phí hoạt động của các dây chuyền sản xuất này cũng cao hơn lò thủ công, nên thời gian thu hồi vốn kéo dài. Thế nhưng, trong khi chưa kịp thu hồi vốn, nay lại tiếp tục phải đầu tư để chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc gạch không nung là rất khó khăn. Theo tính toán, để chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc gạch không nung, mỗi cơ sở sản xuất phải bỏ ra thêm ít nhất gần 3 tỷ đồng. Vì vậy, nếu đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động, nhiều cơ sở sản xuất gạch tại địa phương không kịp thu hồi vốn và sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Võ Đại Huế cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất vật liệu không nung, thời gian qua, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong nhân dân. Đồng thời, quy hoạch lại các cơ sở sản xuất gạch theo hướng giảm dần, phấn đấu sau năm 2020 thực hiện theo quy hoạch sản xuất vật liệu không nung mà tỉnh đã phê duyệt.

Tuy nhiên, ông Huế cũng cho rằng, các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện được hình thành từ lâu, đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi. Đặc biệt, để phù hợp với các quy định của tỉnh, các chủ lò gạch đã đầu tư nguồn vốn lớn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại; bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng gạch nung hiện nay còn khá phổ biến.

Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi dần sang sử dụng gạch không nung, đề nghị UBND tỉnh gia hạn thêm thời gian chuyển đổi đến sau năm 2020, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất gạch thu hồi vốn đầu tư. Cùng với đó, trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí thông qua các hình thức như miễn giảm tiền thuê đất, các khoản thuế, phí và các khoản vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng… Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần hỗ trợ về công nghệ sản xuất gạch không nung và nhất là “đầu ra” của sản phẩm này để các chủ lò yên tâm chuyển đổi theo chủ trương.

Thiết nghĩ, chủ trương chuyển đổi từ sản xuất vật liệu nung sang vật liệu không nung là cần thiết, phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người sản xuất và địa phương, việc tính toán lại lộ trình và có biện pháp hỗ trợ phù hợp trong quá trình chuyển đổi này là hết sưc cần thiết.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.