Multimedia Đọc Báo in

Những "cú hích" để Đắk Lắk tiếp tục bứt phá

08:17, 28/04/2017

Tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách hành chính; xúc tiến và đổi mới phương thức thu hút đầu tư; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng nhằm đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách mạnh mẽ và đầy quyết tâm. 

Từ “chìa khóa” cải cách hành chính

Ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết về lĩnh vực cải cách hành chính, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành… rà soát, đánh giá và triển khai đồng bộ, tích cực, có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, điều hành theo chức năng và thẩm quyền của từng đơn vị. Bởi trước hết, đó là “chìa khóa” mở ra cơ hội cho đầu tư và phát triển. Thời gian qua, Đắk Lắk đã tổ chức lấy ý kiến hàng  nghìn lượt người về các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, quy hoạch - đầu tư, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và chất lượng dịch vụ… nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho họ mở rộng sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông tại 100% đơn vị hành chính; thực hiện mô hình một cửa điện tử tại 13/15 huyện, thị xã và thành phố cũng như một số sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính, hiện có 279/282 cơ quan chuyên môn thuộc sở, ngành cấp tỉnh và UBND các cấp triển khai thực hiện khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định 130 của Chính phủ, chiếm tỷ lệ 99%; có 922/1.109 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và cấp huyện triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí hành chính theo Nghị định 43 của Chính phủ, chiếm tỷ lệ 83,1%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn cây sầu riêng tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: H. Gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm vườn cây sầu riêng tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia

Có thể nói, việc thực hiện mạnh mẽ và quyết tâm trong lĩnh vực cải cách hành chính đã mở ra cơ hội, sự thông thoáng hơn cho người dân, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN và dần thay đổi vị thế, thang bậc về chỉ số cải cách hành chính của địa phương. Thực tế cho thấy những năm gần đây, Đắk Lắk luôn được xếp loại khá về chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) và là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong bảng xếp hạng này.

Đến thu hút đầu tư

Có thể nói, xuất phát từ những động lực thúc đẩy trực tiếp và tích cực như vậy nên các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân có bước tăng tốc đáng kể, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo số liệu của Sở KH-ĐT, từ đầu năm 2016 đến nay, có gần 200 DN dân doanh đăng ký thành lập, nâng tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên hơn 6.300 đơn vị. Đáng chú ý hơn là đã có 10 DN đăng ký kinh doanh, đầu tư tại Lào và Campuchia với 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh của Đắk Lắk. Những DN này  đã chủ động triển khai Chương trình hợp tác, đầu tư trong khuôn khổ quy hoạch tổng thể Tam giác phát triển của ba nước Đông Dương để không những thắt chặt mối đoàn kết, hợp tác với các quốc gia trong khu vực, tạo sự ổn định cho nền kinh tế - xã hội nội tỉnh phát triển vững chắc, mà còn hướng đến việc mở rộng vùng nguyên liệu, thị trường lao động và xuất khẩu hàng hóa trong khu vực, tạo thế và lực mới cho Đắk Lắk trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Dây chuyền sản xuất bia tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung.
Dây chuyền sản xuất bia tại Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung. Ảnh: N. Hoàng

Cũng từ dấu ấn cải cách hành chính nói trên, trong quý I năm 2017, Đắk Lắk đã thu hút được 19 dự án đầu tư với tổng vốn trên 1.863 tỷ đồng, tăng 11 dự án so với cùng kỳ năm ngoái – và tổng số vốn đầu tư cũng tăng gấp 10 lần so với năm 2016. Trong đó có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư  khoảng 990 tỷ đồng (Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất tấm nổi dùng trong xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại huyện Ea Súp của Công ty Solar park Global I&D). Đặc biệt, trung tuần tháng 3 vừa qua, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - 2017 được tổ chức tại Đắk Lắk và tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 62.847 tỷ đồng; trao Biên bản ghi nhớ cho 2 dự án với tổng vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh còn tổ chức gặp gỡ song phương với 9 doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - tài chính trong và ngoài nước để xúc tiến mạnh mẽ hoạt động thu hút đầu tư vào địa bàn.

Đây là nguồn lực to lớn, hay nói cách khác là những “cú hích” giúp Đắk Lắk bứt phá nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.        

    Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.