Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu: Nhìn từ cách làm của Công ty Cà phê Thắng Lợi

08:16, 28/04/2017

Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của tỉnh. Trong những năm qua, bằng "lối đi" riêng của mình, đơn vị không chỉ từng bước nâng sản lượng xuất khẩu mà còn gia tăng giá trị xuất khẩu của hạt cà phê.

Công nhân nhập cà phê sau khi thu hoạch tại Công ty Cà phê Thắng Lợi.
Công nhân nhập cà phê sau khi thu hoạch tại Công ty Cà phê Thắng Lợi.

Công ty hiện quản lý gần 2 nghìn héc-ta cà phê. Trung bình mỗi năm xuất khẩu ra thị trường thế giới khoảng 4 nghìn tấn cà phê nhân, trong đó có trên 2.500 tấn cà phê chế biến theo phương pháp chế biến ướt. Điều đáng nói là giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu của đơn vị luôn cao hơn mặt bằng chung từ 300 - 400 USD/tấn.

Để được thị trường thế giới chấp nhận mua với giá cao như vậy là cả một nỗ lực rất lớn của công ty. Bước ngoặt quan trọng mang đến thành công của đơn vị là sự mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chế biến cà phê từ hệ thống quản lý của công ty đến người nông dân trực tiếp sản xuất trên vườn cây. Đó là vào thời điểm năm 2002, khi giá cà phê thế giới xuống thấp nhất trong nhiều năm, kéo theo giá cà phê ở thị trường nội địa cũng giảm ở mức kỷ lục, làm cho sản xuất kinh doanh của công ty bị thua lỗ. Trước thách thức đó, công ty đã hướng đến quy trình sản xuất bền vững, theo các chứng nhận, xác nhận tiêu chuẩn: 4C, Utz Certified, Rain for rest, Alliance…

Đồng thời, công ty mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến ướt, tập trung làm hàng chất lượng cao để bán cho các đối tác đến từ Nhật Bản là tập đoàn Misubishi và Mitsui. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho rằng, vào thời điểm khó khăn như đầu những năm 2000, việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, hướng đến đối tượng khách hàng khó tính của Công ty Thắng Lợi đã góp phần mở ra hướng đi mới cho cà phê Việt Nam. 

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi Vũ Đình Nội, lúc mới bắt đầu hợp tác, phía nhà nhập khẩu đặt ra yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao. Mặc dù đơn vị đã thực hiện quy trình sản xuất theo các bộ tiêu chuẩn, nhưng có những thời điểm cứ trung bình 7 ngày, đối tác Misubishi lại cho người sang kiểm tra chất lượng cà phê thu hoạch một lần bằng cách thử nếm nghiêm ngặt. Ông Vũ Đình Nội chia sẻ thêm, để đáp ứng được yêu cầu từ nhà nhập khẩu, cái khó là thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của công nhân và nông dân liên kết vườn cây. Bên cạnh việc chăm sóc theo các bộ tiêu chuẩn, với yêu cầu đặt ra khi thu hoạch phải bảo đảm tỷ lệ quả chín từ 85% trở lên là trở ngại không nhỏ đối với người nông dân bởi tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”. 

Để khuyến khích thu hoạch cà phê chín, công ty đã cộng thêm từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn cà phê tươi đạt chuẩn. Cuối mỗi niên vụ, những đội sản xuất có tỷ lệ cà phê đạt chuẩn cao cũng được công ty trích thưởng trung bình 17 triệu đồng/đội, từ đó tạo nên phong trào thi đua sản xuất theo tiêu chuẩn sôi nổi trong toàn công ty. Nhờ bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, đến nay toàn bộ diện tích cà phê do công ty quản lý đã đáp ứng quy trình sản xuất mà các nhà nhập khẩu khó tính nhất đặt ra.

Theo Giám đốc phụ trách cà phê Việt Nam của Tập đoàn Misubishi Jazaki, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu cà phê nhân rất lớn và họ sẵn sàng trả giá cao để có được sản phẩm chất lượng cao. Với cách làm trong thời gian qua, Công ty Cà phê Thắng Lợi đã và đang là đối tác đáng tin cậy của Tập đoàn Misubishi, sản phẩm của đơn vị đủ khả năng đứng vững tại thị trường Nhật Bản.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.