Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp và trách nhiệm đối với người tiêu dùng

08:47, 28/03/2017

Năm 2017, “Doanh nghiệp (DN) vì người tiêu dùng” được lựa chọn làm chủ đề cho “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”(15-3). Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, ý thức, trách nhiệm của DN lẫn người tiêu dùng.

Ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương:

Vẫn còn tình trạng DN thiếu chủ động và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với người tiêu dùng

Luật Bảo vệ người tiêu dùng ra đời là tấm lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật quy định rõ trách nhiệm của DN đối với người tiêu dùng như phải cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm bị lỗi, nếu sản phẩm vẫn còn trong thời gian bảo hành thì phía DN phải chịu các chi phí phát sinh, tư vấn, khắc phục sự  cố cho người tiêu dùng... Tuy nhiên, không phải DN nào cũng chấp hành tốt các điều khoản nêu trên. Một số DN vẫn còn thiếu chủ động và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Hiện có nhiều vi phạm phổ biến của DN như vi phạm về trách nhiệm cung cấp và bảo vệ thông tin, đăng ký và thực hiện hợp đồng theo mẫu, thu hồi sản phẩm bị khuyết tật… Nguyên nhân do chạy theo lợi nhuận, họ cố tình phớt lờ hoặc chưa nắm rõ trách nhiệm của mình đã được quy định rõ trong Luật. Để giải quyết tình trạng trên, theo tôi, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp cần tăng cường hướng dẫn, tư vấn sâu hơn về luật để cả người tiêu dùng và DN được biết, đồng thời, kịp thời xử lý các trường hợp xâm phạm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đối với người tiêu dùng, khi quyền lợi bị xâm phạm, có thể tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương mình hoặc gọi đến tổng đài miễn phí theo đường dây nóng 1800 68 38 (của Cục Quản  lý cạnh tranh) để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc hoặc khiếu nại.

Về phía DN, bám sát chủ  đề của “Ngày của người tiêu dùng Việt Nam”, năm nay quyết định chọn chủ đề “DN vì người tiêu dùng”, trong đó, một trong những hoạt động đáng chú ý là Bộ Công thương phát động chương trình “DN hành động vì người tiêu dùng” kêu gọi các DN thực thi đúng, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cam kết kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy người tiêu dùng làm thước đo cho sự phát triển của thị trường. Chương trình sẽ  được vận động các DN tham gia, hưởng ứng xuyên suốt năm 2017.

 

Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh:

Người tiêu dùng cũng cần nắm rõ Luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình

Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng cơ bản đã biết mình phải làm gì, “kêu ai”, khiếu nại ở đâu trước những hành vi gian lận của các nhà sản xuất, kinh doanh.

Song khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, người tiêu dùng bị thiệt do chưa được trang bị kiến thức cần thiết về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.  Trong đó, “Quyền được thông tin” của người tiêu dùng đã quy định rõ trong Luật lại chưa được họ phát huy. Chẳng hạn, họ không nắm rõ những thông tin cơ bản ghi trên bao bì, sản phẩm, kiểm tra hạn sử dụng, xem xét hàng hóa trước khi quyết định chọn mua. Đã từng có trường hợp do không đọc kỹ thông tin nên người tiêu dùng bị nhầm lẫn giữa một món hàng được sản xuất tại Nhật Bản với hàng sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, hoặc thói quen không yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ khi mua hàng… dẫn đến bị thiệt thòi, yếu thế khi xảy ra tranh chấp với DN. Do vậy, bản thân người tiêu dùng trước hết phải hiểu Luật và tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình, kể cả việc tẩy chay những nhà sản xuất, phân phối đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng.

 

Ông Nguyễn Tài Quang, Phó trưởng Phòng Kế hoạch- kinh doanh Công ty Cổ phần bia Sài Gòn- Miền Trung:

Người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin về sản phẩm

Bên cạnh sản phẩm chủ lực là Bia Sài Gòn với sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt trên 1 tỷ lít (từ năm 2011 đến nay, đơn vị còn tham gia sản xuất nước uống đóng chai Serepok). Nhận thức rõ đây là lĩnh vực sản xuất liên quan trực tiếp đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng nên thời gian qua, ngoài việc đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại, đơn vị cũng chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Sản phẩm nước uống Serepok làm ra bảo đảm được xử lý qua hệ thống thẩm thấu ngược và ozone để loại bỏ các ion  kim loại có trong nước, thanh trùng bằng tia cực tím, làm cho nước có độ tinh khiết cao. Trong việc thể hiện trách nhiệm cung cấp thông tin đối với người tiêu dùng, chúng tôi cũng thực hiện thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm kinh doanh, không quảng cáo sai sự thật.

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, để bảo vệ mình, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng cẩn thận trong việc chọn mua các sản phẩm nước uống đóng chai đang bán trên thị trường. Về nhãn mác, phải có thông tin bắt buộc như số xác nhận công bố của sản phẩm, tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Tuyệt đối không mua và sử dụng chai nước có hiện tượng vẩn đục, bao bì không nguyên vẹn, không có niêm phong của nhà sản xuất, không có số xác nhận công bố và các thông tin liên quan khác…

 

Ông  Bùi  Quang Hòa, Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột:

Luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến khách  hàng

Khách hàng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành - bại trong hoạt động kinh doanh của DN. Là nhà phân phối bán lẻ, chúng tôi chú trọng kiểm soát chất lượng đầu vào của các sản phẩm có mặt ở siêu thị, bảo đảm hàng hóa nhập vào bán ở siêu thị phải có các quy trình đạt chuẩn trong sản xuất, chế biến như sản phẩm chứng nhận Viêt GAP (đối với hàng nông sản tươi sống), chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (đối với thực phẩm công nghệ)… để tạo niềm tin với khách hàng. Trong quá trình kinh doanh những mặt hàng này, siêu thị liên tục thông tin trên hệ thống phát thanh của đơn vị về nhà sản xuất, bao bì, mẫu mã sản phẩm, các chứng nhập hợp quy… để người tiêu dùng được biết và lựa chọn.

Riêng đối với một số thực phẩm có tính chất đặc thù về bảo quản như sữa tươi lên men, váng sữa… thì người tiêu dùng nên đặc biệt lưu ý trong quá trình chọn  mua. Bởi, đây là những sản phẩm yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, do đó, từ khâu sản xuất, vận chuyển đến bảo quản, nếu không tốt  sẽ làm  ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Dĩ nhiên, việc sản phẩm, hàng hóa có vấn đề về chất lượng hay lỗi kỹ thuật là điều mà không nhà sản xuất, phân phối nào mong muốn, do vậy, khi xảy ra sự cố, đầu tiên chúng tôi khuyến khích việc thương lượng giữa DN và người tiêu dùng để cùng nhau giải quyết, tìm tiếng nói chung nhằm khắc phục những vấn đề nảy sinh. Nếu trong trường hợp phát hiện sản phẩm có vấn đề, chúng tôi rất mong muốn có được sự hợp tác, lên tiếng của người tiêu dùng để cùng nhau giải quyết sự cố. Vì khi người tiêu dùng lên tiếng, phía đơn vị sẽ xem lỗi là do nhà sản xuất hay bắt nguồn từ khâu bảo quản, vận chuyển của DN phân phối để tìm cách khắc phục, đền bù xứng đáng cho người tiêu dùng.

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.