Multimedia Đọc Báo in

Việc phố, việc làng: “Đất vàng” cũng hiến (Kỳ 2)

05:49, 29/10/2024

Kỳ 2: Khơi sức dân mở đường lớn

Thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên đã gương mẫu, tiên phong đi đầu trong phong trào hiến đất, chủ động bàn giao mặt bằng để xây dựng, mở rộng đường giao thông, trở thành tấm gương cho người dân noi theo.

Đảng viên đi trước

Để kịp thời bàn giao mặt bằng khởi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, chị H’Đia Byă, Bí thư Chi đoàn buôn Kplang (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã tự nguyện tháo dỡ nhà ở và bàn giao 500m2 đất trong khu vực đường cao tốc đi qua.

Theo chị H’Đia, biết dự án này đi qua địa phận buôn Kplang, chị rất phấn khởi bởi đây là công trình trọng điểm quốc gia, sau khi hoàn thành không chỉ tạo điều kiện giao thông thuận lợi mà còn có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống nhân dân.

Do đó, khi được chính quyền địa phương thông báo phần đất, nhà ở của gia đình nằm trong diện tích bị thu hồi để phục vụ cho dự án, chị đã bàn với chồng triển khai tháo dỡ nhà ở, chặt cây trồng trên đất để bàn giao cho đơn vị thi công.

“Một khi giao thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế nên việc bàn giao mặt bằng kịp thời là điều rất cần thiết. Bản thân tôi vừa là đảng viên, vừa là cán bộ buôn nên mình phải gương mẫu bàn giao trước để bà con noi theo” - chị H’Đia bày tỏ.

Chị H'Đia Byă (thứ ba từ trái sang) chia sẻ về cuộc sống tại nơi ở mới.

Sau khi tiên phong bàn giao mặt bằng, chị H’Đia lại tích cực vận động, tuyên truyền người thân trong gia đình, bà con xóm giềng chặt bỏ cây trồng, tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng. Đến nay, gia đình chị, người thân và bà con thuộc diện thu hồi đất làm cao tốc trong buôn đã dựng lại nhà và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lân (số 67, đường Chu Mạnh Trinh, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đều là đảng viên và là cán bộ hưu trí. Dù căn nhà đang sinh sống ngay mặt đường tuyến phố nhưng khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường giao thông, biết nhà mình phải lùi vào khoảng 4 m chiều dài cùng 9 m chiều ngang để mở rộng, vợ chồng bà đã không ngần ngại đập cổng, tường rào để giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công, nhằm góp sức xây dựng con đường khang trang, sạch đẹp.

Bà Lân vui vẻ chia sẻ: “Biết rằng, “tấc đất, tấc vàng” nhưng khi có chủ trương làm đường gia đình tôi đã đồng lòng hiến đất, tự tháo dỡ công trình, vật kiến trúc trên đất bởi việc làm đường không chỉ làm đẹp cho đô thị mà còn phục vụ cho chính gia đình mình. Bây giờ, nhìn con đường khang trang, rộng rãi, bà con vui lắm. Hơn thế nữa, sau khi mở rộng, làm lại đường, người dân chúng tôi cũng hưởng lợi nhiều, giá trị nhà đất cũng được nâng cao”.

Dân bước theo sau

Có thể nói, phong trào hiến đất, bàn giao mặt bằng để xây dựng đường giao thông đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, từ thành thị đến vùng nông thôn, từ đảng viên đến người dân.

Tiếp nối tinh thần tiên phong, gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện, anh Hướng Văn Lợi (thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) đã tích cực chặt bỏ cây trồng, tháo dỡ nhà cửa, chuồng trại, máy móc để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Được biết, tuyến đường Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua phần đất của gia đình anh với tổng diện tích 5,6 sào, trong đó có 400 m2 đất thổ cư, bao gồm một căn nhà kiên cố, khang trang; chuồng trại đang chăn nuôi heo, nhím; lò sấy và hàng trăm cây cà phê, sầu riêng, tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh.

Tháng 7/2023, sau khi bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù, để ổn định cuộc sống anh Lợi đã mua 3 sào đất khác để xây dựng nhà ở và canh tác thêm cây trồng. Đến nay, cuộc sống gia đình anh đã ổn định và khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Anh Lợi cho biết: “Gia đình tôi rời Lạng Sơn vào vùng đất này lập nghiệp từ năm 1993. Thời điểm đó, tôi gom góp tiền mua được mấy sào đất vừa để ở vừa sản xuất. Đến thời điểm trước khi bàn giao đất để làm đường, doanh thu từ các loại cây trồng của gia đình mỗi mùa vụ là một con số lớn. Tuy nhiên, vì lợi ích chung nên gia đình đồng tình bàn giao đất. Nếu suy nghĩ kỹ thì việc người dân đồng lòng bàn giao đất sẽ giúp dự án cao tốc sớm được triển khai xây dựng cũng như sớm hoàn thành và đưa vào lưu thông, phục vụ cho cuộc sống, kinh tế - xã hội đất nước, địa phương và cả người dân”.

Gia đình ông Đỗ Tiến Dũng (bên trái), phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) đã tự nguyện tháo dỡ cổng, tường rào và lùi một phần đất để triển khai Dự án đường Chu Mạnh Trinh.

Những ngày vừa qua, được đi lại trên con đường thông thoáng, sạch đẹp, gia đình ông Đỗ Tiến Dũng (số 38, đường Chu Mạnh Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) cũng như nhiều người dân trong khu vực không khỏi vui mừng, phấn khởi. Trước đây, con đường này chỉ rộng hơn 3 m và chằng chịt ổ gà, ổ voi. Do đó, khi Nhà nước có chủ trương làm đường, gia đình ông đã tự nguyện phá dỡ cổng, hàng rào và hiến 33m2 đất.

Theo ông Dũng, hiện tại, gia đình có 2 căn nhà trên mặt đường Chu Mạnh Trinh với tổng chiều ngang 13 m; trong đó, có 1 căn mới được xây dựng từ năm 2021 với phần cổng và hàng rào được xây dựng trị giá hơn 120 triệu đồng. Nhưng đến khi mở đường, ông vẫn sẵn lòng phá đi cả công trình với giá trị lớn để giao đất cho đơn vị thi công.

Việc người dân hiến đất làm đường giao thông đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc xây dựng hạ tầng cơ sở, làm đường khó hoàn thành đúng tiến độ. Đây cũng là bài học lớn trong việc phát huy sức mạnh và sự đoàn kết của nhân dân bởi “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: "Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng"

Anh Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nóng tình trạng kích giun đất ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô
Trong hai năm qua, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô thường xuyên bị các đối tượng lén lút vào rừng dùng kích điện để bắt giun đất trái phép gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. ​​​​​​​