Multimedia Đọc Báo in

Chấm dứt hoạt động chợ đêm Buôn Ma Thuột

08:41, 28/03/2017

Sau hơn 2 năm được giao cho Công ty Cổ phần IBD Hưng Thịnh đầu tư xây dựng, quản lý kinh doanh, quá trình hoạt động của chợ đêm Buôn Ma Thuột bộc lộ nhiều bất cập. Để quản lý tốt trật tự và mỹ quan đô thị, đến ngày 1-4, UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ chấm dứt hoạt động của khu chợ này.

Nhiều bất cập

Không thể phủ nhận việc chợ đêm ra đời đã đáp ứng một phần nhu cầu tham quan mua sắm của người dân và du khách; những mặt hàng bày bán ở khu chợ này cũng có giá cả rất phải chăng. Chợ đêm còn là một trong những lựa chọn cho những du khách thích mua sắm, thăm thú phố phường khi về đêm. Tuy nhiên, qua thời gian đi vào hoạt động, chợ đêm Buôn Ma Thuột bộc lộ nhiều bất cập, với khoảng 80  gian hàng bày bán hàng đêm nhưng chủ yếu là các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách thời trang, đồ trang sức… trong khi sản phẩm đặc trưng của địa phương thì gần như không có. Thêm vào đó, nguồn gốc hàng hóa ở đây vẫn chưa được quản lý chặt chẽ nên hàng kém phẩm cấp, hàng giả, hàng nhái được bán trà trộn là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, khu chợ này được bố trí xung quanh khu vực chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột có lưu lượng xe lưu thông khá đông, nhất là thời điểm tan tầm, hàng hóa lại bày bán ngay giữa lòng đường nên dễ gây ùn tắc giao thông, bất tiện cho người đi đường…

Chợ đêm Buôn Ma Thuột tấp nập người mua bán.
Chợ đêm Buôn Ma Thuột tấp nập người mua bán.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, ngoài một số bất cập trên, trong thời gian tổ chức hoạt động, Công ty Cổ phần IBD Hưng Thịnh  trong quá trình khai thác chợ đêm đã không thực hiện đúng nội dung như đã cam kết với UBND TP như: không lắp đặt camera an ninh, không bố trí nhà vệ sinh công cộng, không bố trí bảo vệ; tình trạng móc túi diễn ra thường xuyên và phức tạp… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự và mỹ quan đô thị…

Tạo điều kiện cho tiểu thương

Khi được biết chủ trương trên của thành phố, nhiều tiểu thương kinh doanh ở chợ đêm tỏ ra lo lắng và đang trông chờ vào kế hoạch sắp xếp điểm mua bán mới. Theo UBND thành phố, căn cứ vào Quyết định 2970/QĐ-UBND ngày 7-10-2016 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các tuyến đường được phép kinh doanh trên vỉa hè, thành phố sẽ cấp phép hoạt động cho các cá nhân sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán trên 22 tuyến đường nội ô, với điều kiện người được cấp phép phải chú trọng vào sản phẩm đặc trưng của tỉnh, hàng hóa có chất lượng và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bảo vệ công trình công cộng theo quy định hiện hành. Cụ thể, 22 tuyến đường UBND tỉnh phê duyệt cấp phép gồm: Nguyễn Công Trứ, Nơ Trang Lơng, Quang Trung, Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jút, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mạc Thị Bưởi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền và Lê Thị Hồng Gấm. Tùy theo điều kiện giao thông, trật tự, môi trường... mà mỗi tuyến đường được cấp phép một đoạn vỉa hè phù hợp cho người dân kinh doanh, buôn bán.

Hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các phường Thống Nhất và Tân Tiến thông báo trên hệ thống truyền thanh của phường để người dân biết, đồng thời, tiến hành thống kê danh sách các tiểu thương có nhu cầu kinh doanh, buôn bán tại các đoạn vỉa hè thuộc các tuyến đường trên để bố trí, sắp xếp phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố thực hiện sơn kẻ vạch trên vỉa hè xung quanh chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột gồm các tuyến đường Y Jút, Quang Trung,  Điện Biên Phủ, trong đó, vỉa hè đường Y Jút và Điện Biên Phủ kẻ vạch cách mép bó vỉa vào 2 m; vỉa hè đường Quang Trung kẻ vạch cách mép bó vỉa vào 2 m và cách mép ki ốt chợ ra 2,7 m để tổ chức cho các tiểu thương buôn bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đặc biệt bắt đầu từ ngày 10-4, UBND thành phố sẽ tiến hành xử lý, giải tỏa tất cả các trường hợp buôn bán trái phép, lấn chiếm lòng đường… 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.