Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Riêng (M’Drak): Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn ?

09:12, 11/08/2012

Mặc dù là 1 trong 3 xã điểm của huyện M’Drak thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng đến thời điểm này, xã Ea Riêng mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Trong đó, việc thực hiện các tiêu chí đường giao thông, điện, chợ nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Có còn hơn không !

Khi được hỏi về việc làm đường giao thông nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Nhu hào hứng: “Người dân 6 thôn trong xã đã đóng góp 1,2 tỷ đồng, ngày công, UBND xã hỗ trợ 1 triệu đồng/km để bê tông hóa 30 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại”. Mới nghe thông tin đó, ai cũng mừng cho một xã vùng sâu, vùng xa như Ea Riêng, nhưng khi mục sở thị những con đường, mọi người không khỏi ngỡ ngàng. Tiếng là đường bê tông nhưng mặt đường chỉ rộng 0,7m, vừa đủ cho một xe gắn máy đi qua, còn những loại xe khác thì không thể đi được, điều đáng nói là cả 30 km đường của 6 thôn đều tương tự như vậy. Ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn 7 cho rằng, so với những con đường vừa nhỏ, vừa lầy lội, trơn trượt trước đây thì những đoạn đường được bê tông hóa như hiện nay là lý tưởng lắm rồi. Trong khi đó, theo Quyết định 315 của Bộ Giao thông vận tải ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020, các công trình, dự án giao thông nông thôn khi đầu tư xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật. Chẳng hạn như đường cấp C (đường nối từ thôn đến xóm, liên xóm…) phục vụ các phương tiện giao thông thô sơ và mô tô 2 bánh, mặt đường phải rộng 2m, nền đường rộng 3 m. Theo tiêu chuẩn này thì đường giao thông nông thôn ở xã Ea Riêng chỉ mới đạt 1/3 về bề rộng. Trao đổi về vấn đề trên, ông Nhu lý giải: “xã có địa bàn rộng (3.445 ha), dân cư thưa (1.594 hộ), tỷ lệ hộ nghèo cao (14,25%), người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó cà phê là cây trồng chủ lực nhưng năng suất rất thấp, chỉ đạt 5 tạ - 1 tấn nhân/ha. Đời sống khó khăn, người dân lo bữa ăn hằng ngày đã vất vả nên dẫu biết việc làm đường giao thông như trên không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định nhưng chính quyền địa phương cũng đành chấp nhận, thà để người dân tự nguyện đóng góp làm đường theo ý họ còn hơn chịu cảnh lầy lội như trước đây”. Điều đáng bàn, nếu địa phương vẫn tiếp tục cách làm đường giao thông như trên thì chỉ dễ sa vào bệnh “thành tích” chạy theo số lượng, bởi theo kết quả rà soát, đánh giá trước đây của UBND xã, Ea Riêng đã đạt tiêu chí về giao thông nông thôn.

 
Những con đường bê tông hóa ở xã Ea Riêng chỉ đủ cho một xe gắn máy lưu thông.
Những con đường bê tông hóa ở xã Ea Riêng chỉ đủ cho một xe gắn máy lưu thông.

 

Một vướng mắc nữa khiến chính quyền và người dân địa phương đang “loay hoay” tìm cách tháo gỡ là tiêu chí về điện. Qua rà soát, toàn xã có 98% dân cư được sử dụng điện và theo đánh giá của UBND xã, Ea Riêng đã đạt tiêu chí 4 về điện. Nhưng trên thực tế, 523 hộ dân của 16/20 thôn trong xã hiện đang phải sử dụng hệ thống điện không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện; 12 hộ thuộc vùng lõm chưa có điện sinh hoạt. Ông Nguyễn Gia Thiện, thôn 9 cho hay, để có điện phục vụ sinh hoạt, 11 hộ trong xóm phải tự đóng góp 6,6 triệu đồng kéo 400m đường dây hạ thế từ đường dây chính đến các hộ gia đình. Do không có kinh phí nên phải tận dụng cây mít, gốc dừa hoặc những cọc gỗ để kéo điện. Không chỉ bỏ tiền kéo đường dây, các hộ phải trả thêm tiền hao tổn điện năng khoảng 150 KW/tháng. Vì đường dây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật nên điện yếu, thường gây cháy các thiết bị sử dụng điện.

Bên cạnh khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông, điện, xã Ea Riêng cũng đang “đau đầu” với chợ nông thôn. Chợ trung tâm của 4 xã Ea Riêng, Ea Mlây, Ea Mđoan và Cư Króa được quy hoạch rộng 2 ha đã san ủi xong mặt bằng nhưng hiện tại chỉ họp 3 lần mỗi tuần vào thứ 3, 5, 7, mỗi ngày họp 2 tiếng với những sản phẩm tự cung, tự cấp là chính. Dẫu biết rằng, theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới thì chợ nông thôn phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm: nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác… nhưng đối với chính quyền địa phương, điều này quả thực “lực bất tòng tâm”. 

14/20 thôn  của xã  Ea Riêng  đang phải  sử dụng  hệ thống  đường dây điện tạm bợ,  mất an toàn.
14/20 thôn của xã Ea Riêng đang phải sử dụng hệ thống đường dây điện tạm bợ, mất an toàn.

Tranh thủ các nguồn lực đầu tư

Những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Riêng là khoảng cách giữa tiêu chí giao thông với thực tế đường giao thông đã làm ở các thôn, giữa tỷ lệ hộ sử dụng điện với hạ tầng kỹ thuật ngành điện, quy hoạch chợ… là rất đáng lưu tâm. Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí là chuẩn để các địa phương trong đó có xã Ea Riêng phấn đấu dài hơi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn, ông Nhu cho rằng, trước hết, xã cần hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường liên thôn, xóm, cắm mốc các tuyến đường bảo đảm đạt yêu cầu về chiều rộng của chuẩn nông thôn mới. Khi sức dân chưa đủ và nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, các ngành, đoàn thể, Ban tự quản các thôn sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, ngày công nâng cấp, mở rộng mặt đường, rải cấp phối để giao thông thuận lợi. Với nguồn vốn 925 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã và đang triển khai xây dựng 3 km đường đạt chuẩn từ thôn 9 đến thôn 12 để làm mẫu, sau đó phát động người dân các thôn đóng góp tiền, ngày công làm theo. Đối với tiêu chí điện và chợ nông thôn, trước mắt UBND xã vận động người dân tự đầu tư sửa sang, nâng cấp các cột điện, đường dây hư hỏng để bảo đảm an toàn về người và tài sản; đóng góp kinh phí rải đá dăm, tạo đường đi lại trong chợ thuận tiện hơn. Về lâu dài, thì sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.