Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội khóa XIV - những dấu ấn đổi mới

08:02, 25/05/2021

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV khép lại để tiếp tục mở ra những trang mới cho truyền thống của Quốc hội Việt Nam. Chặng đường 5 năm của Quốc hội khóa XIV để lại nhiều thành tựu và dấu ấn nổi bật, điều đó cũng thể hiện trách nhiệm lớn lao của các đại biểu trước đồng bào, cử tri cả nước.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát

Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XIV không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận.

Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đến văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, đối ngoại, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề.

Cách thức tiến hành được đổi mới, cải tiến, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện như trước đây, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập các đoàn giám sát, phân công lãnh đạo Quốc hội làm Trưởng đoàn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó trưởng đoàn; thành viên đoàn giám sát được tăng cường về số lượng, là những người có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực giám sát.

 

Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV với những đổi mới trong ứng dụng công nghệ thông tin.    Ảnh: TTXVN
Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV với những đổi mới trong ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: TTXVN

 

Kế hoạch, nội dung giám sát được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; có khảo sát, nắm thông tin trước khi tiến hành giám sát tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc giám sát không chỉ dựa vào các báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát, mà còn dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau, để củng cố thêm các nhận định, giúp đánh giá trong báo cáo kết quả giám sát được khách quan. Việc trình chiếu hình ảnh kết hợp với báo cáo của Đoàn giám sát là cách làm mới, cung cấp thêm nhiều thông tin, dẫn chứng sinh động, tạo hiệu ứng tích cực. Cách làm trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về nội dung giám sát. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, làm căn cứ quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.

Bước chuyển mạnh mẽ từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”

Tinh thần dân chủ trong các phiên chất vấn được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, các nhóm vấn đề chất vấn được xem xét, cân nhắc lựa chọn kỹ, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, có tính xây dựng cao.

Các đại biểu đã chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi, đúng trọng tâm; thể hiện được ý chí nguyện vọng của cử tri. Cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được cải tiến theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”, đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn linh hoạt, quyết đoán, hướng việc chất vấn tập trung vào trọng tâm và đi đến cùng của vấn đề.

Người trả lời chất vấn trả lời thẳng thắn, thể hiện thái độ nghiêm túc, cầu thị; cam kết và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực phụ trách. Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên nghị trường rất sôi nổi, khi cần thiết có thể giơ biển tranh luận ngay.

 

 Đại biểu  Bùi Văn Cường,  Đoàn đại biểu  Quốc hội  tỉnh Đắk Lắk  phát biểu  tại một  phiên họp  của Quốc hội  khóa XIV.
Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại một phiên họp của Quốc hội khóa XIV.

 

Nâng cao vị thế Việt Nam qua hoạt động đối ngoại

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tích cực, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nhân dân; nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của Quốc hội được thực hiện liên tục, nhất quán, đúng phương hướng, kế hoạch đề ra; quyết định các chính sách lớn về đối ngoại; giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quốc hội khóa XIV đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 41 của Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia ASEAN (AIPA-41) theo hình thức trực tuyến, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của nước chủ nhà và sự thích ứng cao của các nước tham gia, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nghị viện thành viên, nghị viện quan sát viên AIPA và bạn bè quốc tế.

 Triển khai thành công Quốc hội điện tử

Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thí điểm thực hiện tất cả file âm thanh được chuyển thành chữ chạy trên màn hình của chủ tọa, giúp việc điều hành chính xác hơn. Bên cạnh đó, các phần mềm ứng dụng cài đặt trên thiết bị ipad để phục vụ đại biểu Quốc hội như App Quốc hội phục vụ cung cấp tài liệu Kỳ họp Quốc hội; App Netview phục vụ tổng hợp phân tích thông tin báo chí và mạng xã hội về hoạt động của đại biểu Quốc hội; App Đại biểu….

Quốc hội khóa XIV đã đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, thực hiện có hiệu quả phương châm “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”. Những dấu ấn đổi mới, những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội XIV đã góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong 5 năm qua, Quốc hội khóa XIV ban hành 72 luật, 135 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Nhiều đạo luật kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.