Multimedia Đọc Báo in

Phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử

16:30, 23/07/2019

Sáng 23-7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội nghị. 

Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, ngày 7-3-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Từ đó, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực.

c
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)

Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ TP. Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ.

Công tác xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử cũng được quan tâm thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Trong việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, trong tháng 3-2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Thủ tướng bấm nút khai trương, thống nhất việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. Công tác xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được ưu tiên triển khai như: cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đất đai, dân cư, tài chính...

c
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Xây dựng Chính phủ điện tử là công việc mới, không ít khó khăn và nhiều vấn đề cần xử lý, giải quyết nên các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên tổng kết, sơ kết để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Cẩn trọng trong việc quản trị dữ liệu, bởi dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý: Nghị quyết số 17/NQ-CP mới chỉ là giải pháp trước mắt, vì vậy thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phải chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng xây dựng Chiến lược Chính phủ điện tử giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc