Multimedia Đọc Báo in

“Quyền lực Nhà nước là thống nhất”

17:08, 25/12/2011

Hiện nay, Nhà nước ta đang khẩn trương tiến hành tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 để chuẩn bị và làm cơ sở cho việc sửa đổi vào thời gian tới. Công tác tổng kết thi hành Hiến pháp được xem là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị và là nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Trong thời gian qua, đất nước đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, do đó Hiến pháp 1992 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Điều dễ nhận thấy nhất đó là Hiến pháp đang phải quy định những điều quá cụ thể, chi tiết. Về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Tổ trưởng Tổ giúp việc đồng thời là Người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ đã nói: “Hiến pháp không làm thay vai trò của các đạo luật thông thường”.
Nhiều người kỳ vọng  việc sửa đổi, bổ sung lần này sẽ làm cho Hiến pháp “trở về” với bản chất của nó là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc trong hệ thống pháp luật. Hiến pháp chỉ nên là đạo luật quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của một nước như tổ chức quyền lực nhà nước; ghi nhận và bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Một trong những nội dung đang được quan tâm và bàn luận nhiều đó là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Việc đó cũng là hiện tượng bình thường, vì quyền lực và quyền lực nhà nước luôn là những vấn đề được quan tâm sâu sắc trong khoa học pháp lý kể cả trong nước và quốc tế. Có người đã đề cập đến sự “phân chia quyền lực” một cách rạch ròi, dứt khoát và coi đây như là một bảo đảm cho việc “chế ước” lẫn nhau để tránh lạm quyền. Điều này cũng không phải là mới mẻ, vì trên thực tế Hiến pháp một số quốc gia cũng đã thiết kế chế độ phân quyền cứng rắn và gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, ngay cả Montesquieu, người đã phát triển thuyết “tam quyền phân lập” trở thành một học thuyết độc lập cũng đã thừa nhận là “các nhánh quyền lực cũng phải ở trong một dàn nhạc”. Trong thực tế thì giữa các nhánh quyền lực luôn có sự đan xen, phối hợp lẫn nhau để hoàn thành một nhiệm vụ trước Nhà nước. Ở nước ta, vấn đề tập quyền đã được  ghi nhận tại Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đó là: “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Có một vấn đề đặt ra, đó là trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về “Đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” có đề cập đến nội dung “Kiểm soát” việc thực hiện các quyền này. Theo TS.Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì: “Đây là nội dung bổ sung rất quan trọng đã được Đảng ta khẳng định vì khi đã có sự phân công các cơ quan Nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì phải có sự kiểm soát các cơ quan thực hiện những quyền đó mới bảo đảm được quyền lực Nhà nước là thống nhất, mới tránh được tình trạng vượt quyền, lạm quyền và bảo đảm cho bộ máy Nhà nước hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ”.

Như vậy, có thể nói rằng, vấn đề “quyền lực Nhà nước là thống nhất” đã trở thành  một nguyên lý trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ở nước ta, từ trước tới nay quyền lực Nhà nước là không phân chia và đều thuộc về nhân dân. Điều này đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nền dân chủ: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Trương Thị Hiền
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.