Multimedia Đọc Báo in

Suy ngẫm về từ “khéo” trong bài báo “Dân vận” của Hồ Chủ tịch

14:28, 11/11/2010
Ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z Hồ Chủ tịch viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật”. Cuối bài báo có câu “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
 
“Khéo” là một từ thuần Việt. Theo nghĩa thông dụng “khéo” là từ chỉ người biết làm những động tác thích hợp trong lao động để kết quả cụ thể đạt được tốt đẹp như tong câu thành ngữ: “áo rách khéo vá hơn lành vụng may”, hoặc biết sắp xếp công việc một cách thích hợp để đạt kết quả mong muốn “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”; và biết có những cử chỉ, hành động, lời nói thích hợp làm người khác vừa lòng để đạt được kết quả mong muốn trong quan hệ, đối xử…
 
Dù trong ngữ cảnh nào thì “khéo” đều có một thuộc tính chung là “thích hợp”.
 
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” là lời khẳng định qua quá trình đúc kết kinh nghiệm hoạt động cách mạng hàng chục năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài do dân vận khéo mà Người đã tập hợp được những người thuộc nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau trong “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa” (1921), “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á đông” (1924)… cùng chung mục đích chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc mình thoát vòng nô lệ…
 
Do dân vận khéo mà Người đã tập hợp được sức mạnh toàn dân Việt Nam vượt qua những thời khắc “nghìn cân treo sợi tóc”…
 
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” là câu kết của mục IV (mục cuối cùng của bài báo) với tên gọi
 
“Dân vận phải thế nào?”. Như vậy, “dân vận khéo” là phương pháp vận động quần chúng một cách thích hợp với từng loại đối tượng, từng con người, từng lứa tuổi… nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền chắc chắn và thiết thực.
 
 
Bác Hồ thăm bà con nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954).
Bác Hồ thăm bà con nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). (Ảnh: T.L)
Để có cách làm thích hợp, cụ thể với từng loại đối tượng, từng loại hình công việc, người làm công tác dân vận phải thực hiện được 12 chữ mà Bác Hồ đã nêu ra: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây là năng lực và tác phong của người cán bộ dân vận. Người cán bộ dân vận phải có tư duy sáng tạo, tầm hiểu biết nhất định (óc nghĩ), phải có tác phong đi sâu, đi sát thực tế để nắm bắt tình hình, lắng nghe quần chúng (mắt trông, tai nghe, chân đi) và phải gương mẫu thực hiện lời nói đi đôi với việc làm để quần chúng noi theo.
 
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là một cuộc “dân vận” lớn góp phần xây dựng nền tảng văn hóa tinh thần cho toàn xã hội. Vì vậy, lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” giúp cho mỗi cơ quan, đơn vị tìm ra những cách làm thích hợp với cơ quan, đơn vị mình trong việc tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và chọn lựa những cán bộ, đảng viên có “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để tuyên truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Trương Tử Kỳ

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.