Multimedia Đọc Báo in

Hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19

08:11, 25/05/2022

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 8 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá; trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh như: tim mạch, ung thư, thái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… và tăng nguy cơ mắc các bệnh do vi rút, vi khuẩn gây nên thông qua đường hô hấp, trong đó có vi rút SARS-CoV-2.

WHO nhận định, người hút thuốc lá có khả năng mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần người không hút thuốc lá. Một nghiên cứu mới đây của WHO cũng cho thấy những người hút thuốc lá khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần người bình thường. Hành động đưa tay lên miệng khi hút thuốc lá, sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút như: ống điếu, ống tẩu… làm tăng nguy cơ lây truyền vi rút từ tay lên miệng và tăng việc lây lan vi rút trong cộng đồng.

Khi hút thuốc lá, nghĩa là cơ thể đang nhận hơn 7.000 hóa chất độc hại.

Theo bác sĩ R’Ma Lương,  Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, khi hút thuốc lá nghĩa là cơ thể đang nhận hơn 7.000 hóa chất độc hại và các chất độc hại này sẽ nhanh chóng xâm nhập, thẩm thấu vào các mô phổi rồi lan dần vào bên trong và lưu thông trong máu làm hỏng, hủy hoại kháng thể trong máu (kháng thể có nhiệm vụ chống lại các bệnh truyền nhiễm), từ đó khiến cơ thể thiếu hụt các loại kháng thể này, gây nên tình trạng nhiễm trùng nặng, lâu lành vết thương và bệnh lâu khỏi.

Hút thuốc lá tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của phổi. Phổi của những người hút thuốc tạo ra nhiều dịch nhầy hơn phổi của những người không hút thuốc. Dịch nhầy này khó loại bỏ và dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn phá hủy lông mao, trong khi chức năng của lông mao là giúp loại bỏ bụi bẩn và các hạt không tốt để bảo vệ phổi. COVID-19 là bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công vào phổi, do đó đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá khi mắc COVID-19 có nguy cơ trở nặng và tử vong cao hơn những người không hút thuốc lá. Nghiên cứu mới đây nhất của các nhà khoa học Mỹ khảo sát 11.000 bệnh nhân COVID-19 đã phát hiện 30% những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá mắc bệnh với các triệu chứng từ nghiêm trọng đến nguy kịch, trong đó chủ yếu là thanh niên từ 18 - 25 tuổi. Như vậy, bên cạnh những người mắc các bệnh lý nền thì người có thói quen hút thuốc lá là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trong đại dịch COVID-19 với các biến chủng mới ngày càng khó lường.

Trước những nguy cơ đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá gây ra, chuyên gia y tế khuyến nghị người nghiện hút từ bỏ thuốc lá bằng các liệu pháp thay thế, như: nhai kẹo cao su, dùng miếng dán hỗ trợ người hút thuốc lá từ bỏ thuốc lá… hoặc qua tổng đài tư vấn từ bỏ thuốc lá miễn phí 18006606. Việc từ bỏ thuốc lá sẽ giúp nhịp tim, huyết áp, nồng độ trong máu dần ổn định, hệ tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên. Sau 1 - 9 tháng từ bỏ thuốc lá các triệu chứng ho, đờm, khó thở sẽ giảm.

Phượng Vũ


Ý kiến bạn đọc