Multimedia Đọc Báo in

Cuộc sống mới trên những quê hương anh hùng

08:09, 02/09/2023

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, những vùng căn cứ kháng chiến năm xưa đã chuyển mình, có những bước tiến dài trên hành trình xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

"Buôn Cháy" khởi sắc

Về buôn Ea M’dróh - căn cứ cách mạng trên địa bàn huyện H5 trong kháng chiến (nay thuộc xã Ea M’dróh, huyện Cư M’gar) những ngày này, ai cũng có thể cảm nhận được cuộc sống mới của người dân nơi đây. Nhiều ngôi nhà khang trang bề thế mới được xây dựng bên cạnh những ngôi nhà dài truyền thống. Người dân nơi đây đang tất bật thu hoạch bắp và chuẩn bị cho con em vào năm học mới.

Ea M’dróh (huyện Cư M'gar) rợp cờ đỏ sao vàng trước ngày Quốc khánh 2/9.

“Cây đại thụ” của buôn Ea M’dróh là già Ama Tâm, người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này và đã 30 năm làm Trưởng buôn. Gia đình ông có kinh tế khá giả; con gái, con trai, dâu rể đa phần là giáo viên, cán bộ ở xã và đều làm kinh tế giỏi. Nhắc đến truyền thống anh hùng của buôn làng, già Ama Tâm nhớ lại: Trong kháng chiến chống Mỹ, Ea Mdróh tập trung nhiều cán bộ, người dân có tinh thần cách mạng cao nên luôn bị địch nhăm nhe bắn phá. Năm 1960, để cắt đứt mối liên hệ giữa nhân dân và cán bộ cách mạng, địch đốt sạch hết cả buôn, bắn chết trâu bò và dồn dân về hướng huyện Buôn Đôn. Hoang tàn, xơ xác sau chiến tranh, buôn Ea M’dróh được người dân gọi bằng cái tên “buôn Cháy”.

Sau ngày đất nước thống nhất, người dân quay lại buôn xây cuộc sống mới. Bà con tiến hành khai hoang, tìm hạt giống về gieo trồng trên vùng đất mới hồi sinh. Hòa bình rồi nhưng vẫn cực khổ trăm bề, vừa đói, vừa rét, suốt thời gian dài cả buôn thèm cơm, thèm muối. Ấy vậy nhưng bà con sống với nhau rất đoàn kết, nặng nghĩa tình. Rồi được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương, cuộc sống của người dân ngày càng thay đổi. Nhà nước đầu tư điện lưới quốc gia, đưa các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp đồng bào từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đến nay, đường giao thông ở đây được trải nhựa rộng rãi, sạch sẽ, công trình nước sinh hoạt trong buôn cũng được xây dựng, Trạm Y tế xã ở đầu buôn, trong buôn có phân hiệu trường mầm non…

Tranh thủ lúc nông nhàn, nhiều người dân ở buôn Ea M’dróh (huyện Cư M'gar) vẫn dệt thổ cẩm truyền thống phục vụ trong gia đình.

Già Ama Tâm cho biết, buôn Ea M’dróh hiện có 299 hộ, với 1.253 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Êđê. Người dân không còn sinh nhiều con, bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu và hình thành nếp sống văn hóa mới. Nhiều thanh niên năng động với những mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Các cháu đủ tuổi đều đến trường học, nhiều em học sinh còn vào được trường chuyên THPT và đỗ các trường đại học lớn. “Điều đáng mừng nhất là bà con luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, chăm lo làm ăn và giữ gìn văn hóa truyền thống”, già Ama Tâm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’dróh (quê ở Thanh Hóa) được bà con buôn làng bao bọc từ những ngày đầu mới vào đây lập nghiệp. Bà hiểu rất rõ những đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Bà Tuyết cho biết, bà con buôn Ea M’dróh luôn đồng lòng chung sức cùng chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn xã xây dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.

Đổi thay H4

Với địa hình đồi núi hiểm trở, lại tiếp giáp với trục đường chính nối hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực H4 (nay thuộc xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) đã trở thành vùng căn cứ kiên cường và vững chắc.

Trong ngôi nhà dài truyền thống, bên cạnh là ngôi nhà mái ngói khang trang, ông Y Blý Niê (SN 1954, cựu chiến binh của buôn Dliê Ya A) bồi hồi kể về truyền thống anh hùng và chia sẻ những đổi thay của buôn làng.

HTX Ea Tân (huyện Krông Năng) tổ chức thu mua cà phê chất lượng cao của người dân xã Dliê Ya (huyện Krông Năng).

Những năm chiến tranh, đồng bào nơi đây vừa sản xuất, đóng góp lương thực cho cách mạng, vừa vận chuyển hàng hóa, tài liệu, vũ khí và nuôi dưỡng, che chở cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh như Nguyễn Xuân Nguyên, Huỳnh Văn Cần…; thanh niên thì làm du kích, phối hợp chặt chẽ với bộ đội, tích cực tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt địch. Nhận thấy vị trí chiến lược của xã, địch thường xuyên tổ chức càn quét, bắn phá, dội bom, nhưng đồng bào luôn kiên trung, tin theo Đảng và chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Với những thành tích hào hùng của mình, năm 1978, nhân dân và các lực lượng du kích xã Dliê Ya được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tuy có nhiều khó khăn, nhưng đồng bào xã Dliê Ya luôn tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế. Đến nay, đời sống của người dân đã khác trước nhiều, các con đường trong buôn được bê tông hóa sạch sẽ, nhiều ngôi nhà xây khang trang mọc lên, điện về đến từng nhà. Nhờ được tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, trở nên khá giả. Ông Y Blý tâm sự: “Giờ con cháu trong buôn đã có trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở khang trang, sạch đẹp. Ai có bệnh thì lên Trạm Y tế xã khám. Ai cần nông cụ sản xuất thì ra đầu buôn đã có cửa hàng. Nông sản làm ra có các hợp tác xã đến thu mua… Đời sống nay khác xưa nhiều lắm”.

Chủ tịch UBND xã Dliê Ya Hoàng Văn Hoan chia sẻ, cách đây hơn mười năm, xã Dliê Ya vẫn còn là một xã nghèo của huyện Krông Năng. Đến nay, từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… và nỗ lực của người dân, diện mạo xã Dliê Ya đã có nhiều đổi thay và phát triển. Hiện toàn xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2024 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Xã cũng vừa hoàn thành hồ sơ gửi các cấp, các ngành chức năng để thẩm định và công nhận khu H4 – xã Dliê Ya là xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây chính là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau gìn giữ, phát huy lòng yêu nước và truyền thống anh hùng của vùng H4 năm xưa.

Minh Chi - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.