Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

17:34, 11/05/2023

Không chỉ hỗ trợ người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống trước mắt, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn hỗ trợ học nghề, giúp người lao động chuyển đổi nghề, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.476 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 208 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 2.945 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, số còn lại chưa đến thời điểm ban hành Quyết định hưởng; có 63 người được hỗ trợ học nghề tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

Năm 2022, có 398 người được hỗ trợ học nghề, tăng 104% so với năm 2021. Những ngành nghề chủ yếu được người lao động hưởng trợ cấp BHTN của tỉnh đăng ký học là: chăm sóc sắc đẹp, xoa bóp bấm huyệt, pha chế thông dụng, lái xe ô tô hạng B2, C và nâng hạng…  

Ảnh: Nguyễn Phươhj
Người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trường Trung cấp Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Phượng

Tất cả những lao động hưởng chính sách hỗ trợ học nghề đều được tư vấn việc làm sau khi kết thúc khóa học. Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm trao đổi, chính sách BHTN ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong gian đoạn mất việc. Qua nắm bắt thông tin, đa số người lao động thất nghiệp sau khi được hỗ trợ học nghề đã tìm được việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp và tự tạo việc làm cho bản thân. 

Để hỗ trợ việc làm cho người lao động mất việc hưởng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, phiên giao dịch việc làm trực tuyến... để tư vấn, hỗ trợ người lao động lựa chọn ngành nghề học phù hợp, từ đó tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

Chị Lương Thị Duyên (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) làm việc tại Công ty Cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh Chi nhánh Đắk Lắk được 4 năm 8 tháng (thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), thì quyết định nghỉ việc do công việc không còn phù hợp với nữ giới. Qua tìm hiểu, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để thiết lập hồ sơ hưởng chế độ BHTN sau khi nghỉ việc. Chị Duyên cho hay, ngoài giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp để bù đắp một phần thu nhập trong khi chưa tìm được việc làm, tôi còn mong muốn được hỗ trợ học nghề để sớm tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe.

Ảnh: Hoàng Ân
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Hoàng Ân

Thực tế cho thấy chính sách BHTN đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong những trường hợp thất nghiệp, gặp khó khăn về việc làm. Đặc biệt trong những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách BHTN.

Theo đó, người lao động được hướng dẫn, tư vấn qua nhiều hình thức như: điện thoại, Facebook, Zalo…. Đặc biệt trong mấy năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số người mất việc làm tăng cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội tích cực tổ chức tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, giải quyết chế độ BHTN cho người lao động kịp thời, hiệu quả. Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách BHTN luôn bảo đảm phương châm 3 đúng: đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn.

 

"Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội; thực hiện giải quyết, chi trả trợ cấp thất nghiệp bảo đảm thuận lợi nhất cho người lao động ổn định cuộc sống và nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động".

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lê Hải Lý.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Xuân (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) là một ví dụ. Sau 20 ngày nộp hồ sơ (không tính thứ 7 và Chủ nhật) đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nhận kết quả. Chị rất vui khi mỗi tháng mình được hỗ trợ 2.838.000 đồng/tháng (trong thời gian 3 tháng), đồng thời được nhân viên Trung tâm tư vấn kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng tìm được việc làm mới. Chị vui mừng hơn khi biết rõ về chính sách người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách BHTN vẫn gặp khó khăn. Nhận thức của người lao động về chính sách BHTN còn hạn chế. Không ít lao động chưa hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong khai báo không đúng thực tế thông tin tìm kiếm việc làm, cố tình trục lợi chính sách; chưa mạnh dạn đăng ký tham gia học nghề; một số doanh nghiệp “lách luật” không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; chưa có chế tài xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về BHTN.

 

 

Nguyên Tiến

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.