Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách

04:09, 05/03/2023

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, có khả năng bùng phát thành dịch. Bệnh có tính chất lành tính nên bệnh nhân thường được theo dõi và điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, bệnh thủy đậu cũng có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là đối với trẻ em nếu bệnh nhân không được chăm sóc đúng cách.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hàng chục trường hợp mắc thủy đậu, tập trung nhiều ở huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột.

Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những tuần vừa qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu nhập viện. Hiện chăm sóc con đang điều trị vì mắc thủy đậu tại khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), chị Trần Thị Nhung (trú TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Cách đây 1 tuần, trên lớp con tôi theo học có bạn mắc thủy đậu. Do lây từ các bạn, nên ít ngày sau con tôi có biểu hiện sốt, bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nước ở bụng và lưng. Thể trạng cháu trước giờ vốn yếu nên khi mắc bệnh, cháu nhanh chóng rơi vào trạng thái mệt mỏi, sốt li bì, các nốt mụn nước xuất hiện dày đặc trên cơ thể. Rất may nhờ nhập viện sớm mà đến nay sau hai ngày điều trị, sức khỏe của cháu đã tốt hơn rất nhiều”.

Trẻ được bôi thuốc xanh methylen khi mụn thủy đậu vỡ để phòng nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Bệnh do vi rút gây ra, thường gặp trên những người suy giảm miễn dịch và chưa được tiêm chủng. Đây là bệnh lý biểu hiện ngoài da và các cơ quan. Khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu khoảng 1 - 2 tuần, trẻ sẽ có dấu hiệu ớn lạnh, sốt, sau đó xuất hiện các nốt ban mọc trên mặt rồi đến đầu, cổ, thân, tay, chân. Sau một thời gian nhất định, các nốt sẽ tự đóng vảy, tạo sẹo và biến mất. Trên da bệnh nhân mắc thủy đậu sẽ có sẹo sau đó nếu không được chăm sóc kỹ, ngoài ra một số trường hợp có thể gặp biến chứng nặng của bệnh thủy đậu. Thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc da ở các nốt tổn thương do bóng nước gây ra.

Đối với một số cơ địa, đặc biệt là trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mãn tính khi mắc thủy đậu sẽ gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi, và các biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng sau này. Tùy vào mức độ mắc, đã được tiêm phòng hay chưa và đề kháng của trẻ mà các biến chứng có thể nhiều hay ít. Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần lưu ý, ngoài việc hạ sốt, uống thuốc theo đơn bác sĩ thì việc chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Vì tổn thương da nếu không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm gây nhiễm trùng các cơ quan khác.

Khi chăm sóc da cho trẻ mắc thủy đậu, cần giữ sạch sẽ cho các vùng tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu có bội nhiễm. Khi các bóng nước có dấu hiệu nhiễm trùng phải được hướng dẫn sử dụng biện pháp điều trị. Đặc biệt, khi mắc bệnh thủy đậu, không nên hạn chế tắm rửa mà ngược lại cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước. Nếu quá trình chăm sóc, trẻ sốt cao liên tục không hạ được, có các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời.

“Hiện nay, bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh. Phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng để tạo cho trẻ sự miễn dịch chủ động đối với bệnh lý này. Cùng với đó, để trẻ ít khả năng mắc bệnh, không nên cho trẻ chơi hoặc tiếp xúc gần với những người chăm sóc hoặc những người đang mắc bệnh thủy đậu. Khi nghi ngờ con mắc thủy đậu thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.