Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

12:54, 04/03/2023

Mặc dù đã qua những tháng đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh. Đáng lo ngại, do còn tâm lý chủ quan nên nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị muộn, dẫn tới biến chứng nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 3/3, toàn tỉnh ghi nhận 183 trường hợp mắc SXH, trong đó số bệnh nhân mắc SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo là 180 bệnh nhân, 3 bệnh nhân mắc SXH Dengue nặng. Mặc dù thời tiết đang giữa mùa khô, nhưng tại các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh vẫn tiếp nhận nhiều ca mắc SXH mỗi ngày.

Một trường hợp mắc sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế.
Một trường hợp mắc sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế.

Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, số mắc SXH có giảm hơn những tháng đỉnh điểm của dịch SXH, nhưng so với cùng kỳ năm 2022, số mắc lại gia tăng, có thể thấy dịch vẫn còn phức tạp. Trước tình hình dịch SXH chấm dứt trễ, ngành Y tế đã chú trọng đến công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, đưa ra các dự báo, đánh giá nguy cơ để kịp thời, chủ động phòng, chống ngay từ đầu năm.

Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, biện pháp để giảm các trường hợp mắc SXH chính là làm tốt công tác phòng dịch bằng cách diệt bọ gậy, loăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi… Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân, các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Ngoài ra, tại các địa phương, cần huy động các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.

Cán bộ y tế điều tra véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư.
Cán bộ y tế điều tra véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn dân cư.

Cùng với đó, mỗi hộ gia đình cần chủ động thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại chính nhà mình, loại bỏ phế thải có chứa nước đọng hoặc lật úp các vật dụng chứa nước đọng, không để muỗi sinh sôi phát triển. Mặc dù, dịch bệnh SXH đã qua đỉnh dịch nhưng người dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, cần đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm.

Bệnh SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu. Vì vậy, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: xuất huyết răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh... cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Kim Oanh - Mai Lê


Ý kiến bạn đọc