Multimedia Đọc Báo in

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Những bất cập trong giảng dạy môn Lịch sử

08:51, 13/11/2022

Từ năm học 2022 – 2023, khối lớp 10 bậc THPT triển khai giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến nay đã qua nửa học kỳ, việc triển khai chương trình mới ở khối lớp đầu cấp THPT cho thấy còn nhiều bất cập, nhất là ở môn Lịch sử, gây lúng túng cho người học, người dạy, kể cả cán bộ quản lý ở các trường phổ thông.

 Môn Lịch sử được quyết định là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sau khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thống nhất đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên ngành, các đại biểu Quốc hội vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, hiện nay việc giảng dạy môn học này còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.  

Cụ thể, môn Lịch sử bị cắt giảm tiết không có cơ sở khoa học; số tiết bị giảm dẫn đến buộc phải cắt xén nhiều nội dung ở sách giáo khoa, từ đó làm cho nội dung không còn tính logic, chặt chẽ ở nhiều chương, bài; các chuyên đề trở nên phiến diện, đứt quãng. Theo quy định ban đầu, các môn tự chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật là 70 tiết/năm học (tức là 2 tiết/tuần). Tuy nhiên, khi trở thành môn học bắt buộc thì môn Lịch sử bị rút ngắn còn 52 tiết/năm học. Bộ GD-ĐT giao cho các sở GD-ĐT triển khai tập huấn cho giáo viên chuyên môn trực tiếp giảng dạy ở các trường THPT, thống nhất để cắt giảm từ 70 tiết còn 52 tiết (tức là cắt giảm 18 tiết/năm học). Vì vậy nội dung từng bài học trong sách giáo khoa không còn gắn kết, khiến học sinh khó tiếp thu mạch kiến thức.

Moitj tiết học của học sinh Trường
THCS Ngô Gia Tự
Một tiết học của học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự (huyện Krông Búk). Ảnh minh họa: Như Quỳnh

Bên cạnh đó, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa để áp dụng tại các cơ sở giáo dục THPT cũng chưa được chỉ đạo thống nhất từ trên xuống. Môn Lịch sử có hai bộ sách giáo khoa là: “Kết nối tri thức” của Nhà xuất bản Giáo dục và “Cánh diều” của Nhà xuất bản Sư phạm. Hai bộ sách khá giống nhau về nội dung kiến thức nhưng số bài dạy là khác nhau (sách Kết nối tri thức 14 bài, sách Cánh diều 17 bài), trong khi đó, việc lựa chọn bộ sách để giảng dạy là do các trường tự quyết, cho nên các trường THPT cùng một địa phương nhưng học sách khác nhau. Đó là chưa kể các tổ chuyên môn ở các trường phổ thông tự làm phân phối chương trình dẫn đến chương trình giảng dạy ở các trường chưa đồng nhất.

Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng chưa cụ thể hóa là bằng hình thức trắc nghiệm, tự luận, hoặc cả hai. Nếu cả trắc nghiệm và tự luận thì việc ra đề tỷ lệ chia điểm là bao nhiêu? Trong khi đó, khối 12 và 11 vẫn đang học và kiểm tra đánh giá theo lối cũ hoàn toàn trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn. Việc kiểm tra đánh giá và hình thức như thế nào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể, nhiều sở GD-ĐT và các trường đành phải “linh động”. Cả người học, người dạy đều băn khoăn: liệu đến năm học 2024 – 2025 khi diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có còn thi 100% trắc nghiệm như bây giờ không? Hay học sinh thi bằng hình thức nào?

Đổi mới giáo dục là rất cần thiết, tuy nhiên những vấn đề phát sinh trong quá trình đổi mới, cải cách cần phải được ghi nhận, xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả tốt nhất cho giáo dục. Mong rằng các nhà quản lý chuyên môn sẽ quan tâm chỉ đạo sát sao các vấn đề nêu trên.          

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.