Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

07:10, 13/11/2022

Năm 1996, Dự án "Chăm sóc sức khỏe ban đầu” do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ vốn vay cho 6 buôn của xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ.

Dự án do Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột quản lý; nguồn vốn ban đầu chủ yếu là chăm sóc sức khỏe con người như: làm nhà vệ sinh, hỗ trợ đào, vét giếng nước, xây bể chứa nước… Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ ít, công trình nhỏ, việc sử dụng đồng vốn kém hiệu quả.

Được sự đồng thuận của cấp trên, Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột đã sử dụng số tiền tài trợ từ dự án để hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

Bà Phạm Khánh Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho biết, với nguồn vốn ban đầu hơn 350 triệu đồng từ dự án, đơn vị đã hỗ trợ hội viên, tình nguyện viên hoặc phụ nữ là trụ cột gia đình có hoàn cảnh khó khăn của 6 buôn của xã Ea Tu, gồm: buôn Jù, Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B, Knao A, Knao B và Ko Tam được vay số tiền từ 10 - 15 triệu đồng/hội viên để phát triển kinh tế.

Sau 2 - 3 năm, nếu gia đình nào chăm sóc bò hoặc trồng cây phát triển tốt, kinh tế ổn định thì trả lại vốn hỗ trợ ban đầu để chuyển cho hộ khác vay. Nếu quá thời gian trên mà vẫn chưa thoát nghèo thì được đáo hạn để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.

Hội Chữ Thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra mô hình bò sinh sản của gia đình bà H’Dlit Êban (ngồi giữa).

Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, cán bộ hội và các tình nguyện viên luôn kiểm tra, giám sát; phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi bò; hướng dẫn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn, kết hợp chăn thả để bò khỏe mạnh...

Theo đánh giá của Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột, sau nhiều năm chuyển qua hình thức cho vay vốn chăn nuôi bò sinh sản đã giúp người dân ở 6 buôn của xã nâng cao nhận thức phát triển kinh tế gia đình. Mô hình ban đầu chỉ thực hiện trong phạm vi người tình nguyện và chỉ một số hộ nuôi với vốn vay ban đầu là 350 triệu đồng, mua được 27 con bò trao cho 27 hộ. Đến nay, đàn bò tăng thêm 37 bê con, nâng tổng đàn lên 65 con.

Điển hình như bà H’Dlit Êban (60 tuổi, trú buôn Ko Tam), năm 2015 được Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho vay 13 triệu đồng để mua một con bò giống. Sau hơn một năm chăm sóc, bò mẹ đã sinh được một bê con. Sau đó khoảng 1 năm thì bà bán con bê trả hết số nợ đã vay. Con bò mẹ giờ đã thuộc quyền sở hữu của bà và đã sinh thêm được 6 con nữa.

Cán bộ Hội Chữ Thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra mô hình bò sinh sản của gia đình bà H’Dlit Êban (bìa phải).

Tương tự, năm 2015 gia đình chị H’Nail Byă (ở buôn Kô Tam) được hỗ trợ 15 triệu đồng mua bò giống. Đến nay, gia đình chị có 13 con bò, kinh tế ngày càng ổn định. “Được Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ tiền mua bò giống nên gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Gia đình sẽ cố gắng trồng thêm cỏ, chăm sóc thật tốt để bò nó đẻ thêm”, chị H’Nail phấn khởi nói.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.