Multimedia Đọc Báo in

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn:

Cải thiện vệ sinh môi trường vùng nông thôn

08:37, 27/09/2022

Đắk Lắk là một trong 21 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thụ hưởng Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới, qua đó điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả có ba hợp phần, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình được tổ chức thực hiện tại các địa phương. Đối tượng thụ hưởng chương trình chủ yếu là dân cư nông thôn, phụ nữ, trẻ em khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có mức sống thấp và tỷ lệ đói, nghèo cao; là trường học, trạm y tế xã; là đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên liên quan đến cấp nước, vệ sinh nông thôn.

Vệ sinh môi trường trên địa bàn xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar) đã được cải thiện rõ rệt.

Qua hơn 5 năm thực hiện, chương trình đã xây dựng 4.400 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 33 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh. Là một trong những hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, từ năm 2018 đến nay gia đình chị Võ Đức Nam (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) đã thay đổi thói quen vệ sinh cá nhân. Trước kia một phần do thói quen và cũng là do gia đình chị không có điều kiện xây dựng nhà vệ sinh nên mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân đều xử lý trong vườn nhà. Đến khi được cán bộ y tế xã tới tận nhà tuyên truyền, lại được hỗ trợ kinh phí nên gia đình đã đầu tư thêm để xây dựng nhà tiêu. Cũng nhờ đó, sinh hoạt hằng ngày của gia đình trở nên tiện lợi và sạch sẽ hơn.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết, toàn xã có 30 hộ gia đình được chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo động lực để người dân đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua theo dõi và kiểm tra việc thực hiện, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thói quen sinh hoạt.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 73% số hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trước đó, cuối năm 2017, tỷ lệ này chỉ đạt 63,7%; trong đó, số hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt trên 32%.

Người dân xã Cư Huê (huyện Ea Kar) đã ý thức trong việc cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân để bảo vệ môi trường.

Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đã hỗ trợ nhiều trường học, trạm y tế xây dựng, cải tạo công trình cấp nước - vệ sinh. Trong đó, có 119 công trình tại trường học và 65 công trình tại trạm y tế. Đơn cử như ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar), ngoài việc hỗ trợ 150 hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, năm 2019 Trạm Y tế xã được chương trình đầu tư xây dựng nhà công vụ gồm 2 phòng có công trình vệ sinh khép kín;  2 trường tiểu học và 1 trường mầm non được đầu tư xây dựng công trình cấp nước - vệ sinh. Đến nay, xã Cư Yang là địa phương được công nhận xã duy trì vệ sinh toàn xã giai đoạn 2019 - 2021.

Có thể nói, trong ba hợp phần thì hợp phần vệ sinh nông thôn là hợp phần thực hiện nhiều giải pháp mềm và gặp nhiều khó khăn hơn khi bắt đầu chương trình. Trong quá trình thực hiện, các địa phương được thụ hưởng từ chương trình đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động can thiệp như truyền thông thay đổi hành vi, hoạt động phát triển năng lực và hỗ trợ kinh phí làm nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình cấp nước – vệ sinh trường học, trạm y tế... Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể, thiết thực, việc triển khai hợp phần vệ sinh nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực; được người dân đồng tình hưởng ứng, nhận thức của cộng đồng về vấn đề vệ sinh môi trường không ngừng nâng lên. Từ đó giúp họ thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, đồng thời từng bước xóa bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 33 xã thuộc 6 huyện: Buôn Đôn, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Ana, Krông Năng đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã, tăng 3 xã so với mục tiêu đặt ra trong hợp phần vệ sinh nông thôn.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.