Multimedia Đọc Báo in

"Điểm tựa" cho những nạn nhân da cam

08:02, 10/08/2022

Dai dẳng đeo bám từ thế hệ này sang thế hệ khác, nỗi đau da cam khiến nhiều gia đình sức cùng lực kiệt về cả thể xác lẫn tinh thần. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng đã giúp nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) có thêm điểm tựa cuộc sống.    

Bà Nguyễn Thị Hoài chăm sóc người con bị nhiễm chất độc da cam

Bà Hoài kể, năm 1975, trong quá trình hành quân từ Hà Tĩnh vào Đắk Lắk tham gia nhiệm vụ tại Đoàn 333, việc ăn suối ngủ rừng khiến bà nhiễm độc hóa học. Hai vợ chồng gặp nhau tại Đắk Lắk rồi về chung nhà năm 1983. Hạnh phúc tưởng sẽ nhân lên, khi đón đứa con đầu chào đời. Nhưng ngay khi đứa trẻ lọt lòng, ông bà đã có những dự cảm không lành. Anh Đoàn Văn Chương phát triển rất chậm, thân hình èo uột, mãi sau này mới biết là di chứng da cam. Giờ đây, nỗi vất vả càng chồng chất khi chồng bà trở nên ốm yếu sau 3 lần tai biến, một mình bà loay hoay bán buôn để có thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

Nỗi đau xuyên thế hệ hiện hữu trên nhiều mái nhà có nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Trở về sau chiến tranh, không ai ngờ một người có thể trạng cao to, khỏe mạnh như ông Đinh Thắm Hạng (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) lại đang bị chất độc hóa học hành hạ. Gần 10 năm sau hòa bình, ông phát đủ bệnh, lục phủ ngũ tạng bị hỏng hết, rồi qua đời khi mới 47 tuổi. Con gái thứ hai của ông – chị Đinh Thị Thu Hà cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc. Dù đang ở tuổi 40 nhưng chỉ cần người mẹ thiếu để ý, chị liền rời nhà, lang thang bất kể mưa nắng, lảm nhảm cười nói một mình. Ở tuổi gần 70, đáng lẽ chỉ việc dưỡng già nhưng bà Nguyễn Thị Thuấn vẫn phải chăm lo cho con gái như đứa trẻ.

Lan tỏa nghĩa tình, trách nhiệm

Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột hiện có 243 hội viên bị nhiễm chất độc da cam. Trong những năm qua, Hội luôn dành sự quan tâm cho đối tượng này bằng nhiều hoạt động thiết thực. Như năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, Hội đã trao tặng Hội NNCĐDC/dioxin thành phố 50 triệu đồng do chính cán bộ, hội viên đơn vị đóng góp. Hội cũng đã trực tiếp thăm, tặng quà, nhu yếu phẩm cho hội viên bị nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Nỗi đau da cam làm tổn thương hàng nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt quan tâm công tác nghĩa tình đồng đội, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh vẫn luôn vận động, kêu gọi các nguồn lực để giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống. Trong đó luôn lưu tâm đến 21 hội viên và 11 con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Mới đây, nhằm động viên tinh thần hội viên, Hội đã tổ chức chương trình gặp mặt thương bệnh binh và hội viên nhiễm chất độc hóa học. Các hội viên đã cùng nhau ôn lại về một thời hoa lửa, chia sẻ thân tình về những khó khăn trong cuộc sống đời thường, qua đó tiếp thêm niềm tin để cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.

Hướng về NNCĐDC, từ năm 2019, chương trình phối hợp giữa Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh được ký kết. Từ đây, trách nhiệm và nghĩa tình của các đơn vị dành cho đối tượng yếu thế này càng sâu sắc hơn. Hằng năm, các đơn vị đã vận động hàng tỷ đồng để hỗ trợ NNCĐDC xây nhà, thêm sinh kế, tặng quà dịp lễ, Tết, động viên khi ốm đau, hoạn nạn. Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã tặng trên 6.000 suất quà, hỗ trợ sửa chữa 4 căn nhà và tặng phương tiện sinh kế cho 5 NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.