Multimedia Đọc Báo in

Vơi bớt nỗi đau da cam

14:25, 26/07/2021

Hình ảnh những đứa trẻ bệnh tật do di chứng chất độc da cam cứ mãi ám ảnh, day dứt, để rồi tháng tiếp nối tháng, họ lại đến nhà thăm hỏi, động viên khi thì gói bánh, lúc ít gạo..., nhằm giúp các nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, thắp lên niềm tin yêu cuộc sống.

Trao yêu thương

Năm nay đã hơn 40 tuổi, chị Dương Thị Bình ở thôn 5 (xã Tân Lập, huyện Krông Búk) - nạn nhân chất độc da cam/dioxin thế hệ thứ hai vẫn như một đứa trẻ. Chị không nói được, bị suy tim, suy giảm khả năng lao động trên 85%, nhưng thật lạ, mỗi khi bà Lê Thị Tiến, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, kiêm Trưởng Ban Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Lập đến nhà thăm, chị lại mon men đến gần rồi tựa vào vai bà.

Chị Bình là con út trong gia đình bốn anh chị em. Hai anh trai lập gia đình chuyển đến tỉnh khác lập nghiệp, còn chị sống cùng bố mẹ và chị gái Dương Thị Lan. Bố mẹ qua đời, thương em gái bệnh tật chị Lan quyết định ở vậy nuôi em. Tài sản bố mẹ để lại cho hai chị em là 7 sào cà phê, nên cuộc sống khá chật vật.

Bà Lê Thị Tiến (bìa trái) đến thăm chị Dương Thị Bình ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk).
Bà Lê Thị Tiến (bìa trái) đến thăm chị Dương Thị Bình ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk).

Thương hoàn cảnh của hai chị em, hằng tháng bà Tiến đều nhận giúp chế độ trợ cấp nạn nhân da cam của Bình rồi đưa đến tận nhà. Mỗi lần đến, bà Tiến còn mua thêm bánh kẹo, gạo… từ tiền lương của mình cho hai chị em. Bà Tiến còn kêu gọi, vận động tấm lòng hảo tâm xây tặng hai chị em nhà ở, tặng bò sinh sản và sổ tiết kiệm trị giá 4 triệu đồng.

Chị Lan trò chuyện: "May mà có "mẹ Tiến" nên hai chị em không thấy bơ bơ, không thấy chông chênh, nhất là mỗi khi em Bình tái phát bệnh. Còn nhớ có lần Bình lên cơn co giật giữa đêm, tôi lật đật đưa em nhập viện. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ đến ai khác ngoài "mẹ Tiến", và mẹ đã có mặt động viên, an ủi, giúp tôi chăm sóc em Bình ngay khi biết được tin".

Một số cán bộ hưu trí và lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm, tặng quà  trường hợp bị di chứng chất độc da cam tại huyện Krông Năng.    Ảnh: Phan Nghiêm
Một số cán bộ hưu trí và lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm, tặng quà trường hợp bị di chứng chất độc da cam tại huyện Krông Năng. Ảnh: Phan Nghiêm
 

Toàn tỉnh có 3.571 người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Mỗi người một hoàn cảnh riêng, nhưng đa phần đều đối diện với nỗi đau về thể xác và gặp khó khăn trong cuộc sống. Sự đồng cảm, sẻ chia của xã hội sẽ giúp họ vượt qua khó khăn”.

 
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ngô Song Hào

Ở xã Tân Lập còn có anh Lê Văn Hải (thôn Tân Hòa) cũng mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Bà Tiến luôn động viên khích lệ tinh thần anh Hải vượt qua mặc cảm sức khỏe, chăm lo làm ăn. Năm 2020, anh Hải được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện tặng sổ tiết kiệm 4 triệu đồng, bà Tiến khuyên anh rút số tiền tiết kiệm ấy cùng với số tiền tích cóp lâu nay mua cây, con giống về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Những tấm lòng vì nạn nhân da cam

Năm 2011, ngay sau khi nghỉ hưu theo chế độ bà Võ Thị Liên ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) đã đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh trình bày mong muốn được hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam từ tiền lương hưu của mình. Kể từ ngày ấy đều đặn 3 tháng một lần, không quản ngại đường sá xa xôi, thời tiết mưa gió bà Liên cùng cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đến thăm, tặng quà (trị giá 700 nghìn đồng/người) cho 5 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Chồng bà Liên từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (năm 1965 - 1972) tại căn cứ H9 (huyện Krông Bông). Đã không ít lần ông cùng đồng đội và người dân căn cứ H9 phải nằm rạp dưới làn chất độc hóa học do máy bay địch rãi xuống cánh đồng lúa, rẫy sắn... Năm 2010, khi còn đương nhiệm, trong một dịp đi thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam bà Liên tận mắt chứng kiến những đứa trẻ không lành lặn, thỉnh thoảng lên cơn động kinh, quằn quại trong vòng tay bất lực của bố mẹ... cứ ám ảnh, đeo đẳng trong tâm trí. "Chính điều này thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để giúp đỡ những đứa trẻ nạn nhân chất độc da và gia đình nạn nhân da cam", bà Liên trò chuyện. 

Không chỉ dành một phần lương hưu của mình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, bà Liên còn vận động, kết nối bạn bè hưu trí trong và ngoài tỉnh có tấm lòng đồng cảm với nạn nhân da cam. Nhờ đó mà số lượng quà tặng cho nạn nhân chất độc da cam từ 5 suất ban đầu (700 nghìn đồng/người/quý) tăng lên 10 suất và số tiền hỗ trợ cũng tăng 1,2 triệu đồng/người/quý. Hiện có khoảng 20 người tham gia, đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Không ruột rà thân thích, nhưng với tâm niệm giúp đỡ nạn nhân da cam được điều gì quý điều ấy để cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, gần 6 năm qua những cán bộ hưu trí như bà Liên nỗ lực vận động tiền, gạo, nhu yếu phẩm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mỗi nạn nhân chất độc da cam được giúp đỡ, chia sẻ họ thấy mình khỏe hơn, lòng nhẹ nhàng.

Hoàng Ân - Thùy Dung


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.