Multimedia Đọc Báo in

Nếp nhà…

09:35, 25/06/2022

Bố tôi dẫu chưa viết tròn câu, nhưng các ngày giỗ chạp lớn nhỏ của đại gia đình, ông đều thuộc vanh vách để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công lao khai mở, sinh thành nuôi dưỡng của ông cha.

Bố mẹ dẫu việc nhà nông bận rộn trăm bề, nhưng dịp Tết cổ truyền dân tộc hằng năm, ông bà đều dành thời gian, chọn lọc từng nguyên liệu để gói những chiếc bánh chưng xanh thật ngon dẻo nhất.

Bố mẹ như đầu tàu trong gia đình. Nhờ đó mà nếp nhà cứ thế, truyền và giữ theo từng tháng năm, từ đời cha ông, bố mẹ, đến thế hệ con cháu chúng tôi, tạo nên sức sống bền bỉ cho đại gia đình trong dòng chảy biến thiên của xã hội.

Mà chẳng phải chỉ gia đình mình, trong xã hội Việt Nam, việc gìn giữ nếp nhà được nhiều người xem trọng. Dù ai đi đâu, làm gì, giữ chức vụ nào, thì các bậc cao niên của gia đình hay dòng họ vẫn thường răn dạy con cháu rằng: Gia đình phải có gia phong, việc trao truyền văn hóa gia đình qua các thế hệ tạo thành guồng vận động riêng, tác động trực tiếp đến danh dự, uy tín mỗi người, mỗi gia đình, dòng tộc.

Nét nổi bật trong nếp nhà người Việt có lẽ là kính trên nhường dưới, coi trọng cội nguồn. Dẫu đi đâu về đâu, người Việt vẫn luôn hướng về quê hương, gia đình với tất cả yêu thương, thành kính. Quan tâm chăm lo ông bà, cha mẹ; các thành viên gia đình thường xuyên thăm hỏi, động viên người già, người ốm đau; những khoảng khắc đoàn tụ, trở về với nguồn cội dịp lễ Tết cổ truyền đã in sâu vào tâm thức những người con đất Việt. Gắn kết và duy trì nếp nhà không quá khó, đôi khi chỉ bắt đầu bằng những bữa quây quần chuyện trò, bữa cơm gia đình, những cuộc họp cần thiết của gia đình, dòng tộc và thậm chí là cả những lời răn dạy, nhắc nhở.

Gói bánh chưng, bánh tét dịp Tết cổ truyền trở thành truyền thống của nhiều gia đình người Việt.

Trong dòng chảy của xã hội, bên cạnh những mặt hiện đại, tích cực, cũng có mặt đang vô tình phá vỡ nếp văn hóa tốt đẹp ấy. Từ nhiều nguyên nhân, những bữa cơm sum họp ở một số gia đình dần thưa vắng. Một số bạn trẻ chỉ biết ăn chơi lêu lổng, có lối sống buông thả bản thân, rời xa nguồn cội. Ngay cả với người lớn, việc tha hóa đạo đức, thiếu khả năng nêu gương đã gây ảnh hưởng không tốt đối với việc xây dựng nền nếp gia đình… 

Gia đình là tế bào của xã hội. Nền tảng xã hội, nền tảng văn hóa dân tộc có thực sự tốt đẹp bắt đầu từ những gia đình, từ những nếp nhà. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - "Hội nghị Diên Hồng về văn hóa", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các giải pháp để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; phải giữ lấy "nếp nhà", giữ lấy "chân quê"; giữ lấy tình nghĩa thủy chung son sắt...

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.