Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống dịch COVID-19: Cảnh báo lạm dụng test và thuốc !

08:53, 13/03/2022

Dịch COVID-19 với tình trạng gia tăng các ca lây nhiễm, mắc bệnh đã khiến không ít các nhà chuyên môn bày tỏ lo lắng khi nhiều người dân “tự làm bác sĩ tại nhà”, bỏ qua tư vấn y tế để… tuân theo những chỉ dẫn rối loạn trên mạng Internet. Nguy cơ “lạm test, lạm thuốc” nảy sinh ở các gia đình, tập trung tại các đô thị lớn, thực sự cần được cảnh báo.

Ai cũng có thể là… bác sĩ!?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nghị (Trung tâm Giám định Y khoa Đà Nẵng) chia sẻ, nỗi lo của y tế hiện nay không phải là số lượng các ca nhiễm dịch tăng lên, mà là nhiều người dân tỏ ra chủ quan khi đối mặt diễn biến dịch COVID-19. Chủ trương các trường hợp F0, F1 tự theo dõi điều trị tại nhà và khi các đối tượng này không tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế đã tạo ra một “hệ lụy nghiêm trọng”: Người người, nhà nhà đều có thể làm… bác sĩ!

Bác sĩ Nghị cho biết, những ngày qua, ông phát hiện một số người thân bắt đầu theo dõi sức khỏe gia đình kiểu “tự phát”, đọc thông tin trên mạng rồi tự nghiên cứu cách phòng, ngừa COVID-19. Có người chỉ cần hắt hơi là lập tức mua kit test về xét nghiệm cho cả gia đình. Ông cho rằng, đây là hiện tượng không nên để phát triển lan tràn, nhất là ở các đô thị, dễ dẫn đến những hệ lụy tiêu cực.

Nỗi lo của bác sĩ Nghị thực sự không thừa. Chị Mai T., hộ kinh doanh ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) kể, từ khi mua được kit test ở quầy thuốc gần nhà, gần như tuần nào chị cũng… test cho các thành viên trong gia đình. Điều này xuất phát từ nỗi lo sức khỏe cho hai đứa con dù chi phí để tự xét nghiệm không hề rẻ. Mỗi kit test chị T. mua có giá 70 nghìn đồng, khiến gia đình chị tiêu tốn thêm gần 300 nghìn đồng mỗi tháng.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột tự mua thuốc và các loại vitamin tăng đề kháng nhằm phòng dịch COVID-19. Ảnh: Đỗ Lan

Bên cạnh việc xét nghiệm tùy tiện, tình trạng người dân tự mua các loại thuốc chữa COVID-19 “theo hướng dẫn trên mạng” cũng là một vấn đề. Ngành y tế đã khuyến cáo, các loại thuốc kháng vi rút được đề cập ở các phác đồ điều trị chuyên môn đều phải gắn liền với tư vấn y tế và đều chỉ ở dạng thử nghiệm. Trong đó, điển hình thuốc Favipiravir hàm lượng 200/400mg chỉ được sử dụng với liều lượng do bác sĩ chỉ định, thuốc Molnupiravir đang được dùng thí điểm ở các cơ sở điều trị được kiểm soát.

Đáng lo ngại là gần như người dân đang bỏ qua khuyến cáo này. Thậm chí khi các nhà thuốc được chỉ đạo chỉ bán thuốc điều trị COVID-19 theo đơn kê của bác sĩ, rất nhiều gia đình tự ý đổi sang mua thuốc bán trên mạng, qua rỉ tai truyền miệng của người quen.

Cần một bộ quy tắc ứng xử?

Đáng lo hơn, rất nhiều người dân, đặc biệt là các bà mẹ trẻ, gần đây liên tục lên mạng thông tin, mô tả những cách thức, kinh nghiệm “tự chữa bệnh”. Hình ảnh, dữ liệu được họ đưa ra, hoặc chép lại từ các nguồn tin không có kiểm chứng, kể cả từ các hội nhóm… bán hàng trực tuyến; hoặc do người đưa thông tin bằng phán đoán chủ quan, không hề có tư vấn chuyên môn.

Đồng thời, việc người dân đổ xô đi mua kit test, mua thuốc tự điều trị cũng dễ dẫn đến những nhầm lẫn tai hại về sản phẩm y tế, dễ mua phải những loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Đơn cử một số loại nhãn thuốc điều trị COVID-19 đang được rao bán trên mạng, thực tế không rõ nguồn gốc, khi sử dụng người dùng cũng không lưu ý nhãn mác, thời hạn lưu hành, cơ chế bảo quản… Giá thành của các loại dược phẩm này cũng rất tùy tiện, có thể bán đến người dùng với giá tiền lên đến hàng triệu đồng. 

Một vấn đề khác cũng đang được cộng đồng cảnh báo, là phía sau những động thái “tự thăm khám điều trị”, khối lượng rác thải liên quan đến vật tư y tế gia tăng mạnh. Chỉ nói riêng các loại kit test sau khi sử dụng, các loại bao bì, túi nilon đựng vật tư y tế được vứt bỏ vào các thùng rác gia đình đã cảnh báo những hệ lụy lây lan dịch bệnh khó lường. Với các trường hợp bị lây nhiễm, quan niệm cộng đồng hiện nay cũng là “cách ly an toàn” khiến các loại đồ dùng, vật dụng nhựa dùng một lần được sử dụng tăng lên. Các loại chai nước nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa dùng một lần đã được các gia đình mua trữ tăng lên; sau khi dùng xong bỏ ra bãi rác, thực sự đe dọa ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng. Đáng buồn là cho đến nay, các đô thị địa phương hầu như chưa có cảnh báo và hoạch định xử lý nào được ban hành để ngăn ngừa tình hình.

Tất cả các vấn đề trên đều là mối nguy cơ cho cộng đồng nếu cứ tiếp tục diễn ra như vậy. Thiết nghĩ, Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan phải có ngay những thông tin chỉ đạo, một bộ quy tắc ứng xử phòng dịch được cập nhật theo tình hình để hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe tại nhà một cách khoa học và kiểm soát tốt hơn.

Đức Sơn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.