Multimedia Đọc Báo in

Phần thưởng cao quý của người cựu chiến binh

06:14, 10/03/2022

Cùng chung hoài niệm với những người chiến sĩ cách mạng từng tham gia chiến đấu giải phóng Buôn Ma Thuột vào năm 1975, tháng ba luôn để lại những cảm xúc khó tả với ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, năm 1971, ông Ngô Song Hào (SN 1953) lên đường nhập ngũ, hành quân vào chiến trường miền Nam. Năm 1972, sau khi vào đến Đắk Lắk, đơn vị ông được Tỉnh đội Đắk Lắk tiếp nhận và đóng tại H5, từng tham gia Chiến dịch xuân hè năm 1972 tại Gia Lai.

Đến tháng 6/1972, đơn vị ông Hào được Tỉnh đội Đắk Lắk đưa về thành lập Đại đội C304 ở cánh Nam của Buôn Ma Thuột đóng tại buôn Tơ Lơ (nay thuộc huyện Krông Na). Đại đội có hơn 30 người, vừa tăng gia sản xuất vừa thành lập đội công tác ở gần các điểm chốt của địch để sẵn sàng chiến đấu. Ở gần dân, giúp dân nên bộ đội được nhân dân rất tin tưởng, yêu mến, nhân dân trở thành “tai mắt” giúp bộ đội nhiều phen thoát khỏi hiểm nguy. “Hôm nào ra ngoài đồng ruộng không có dân thì ắt hẳn là nơi đó địch đang truy lùng. Nơi nào có cành cây bị bẻ vứt ở dọc đường thì hướng đó địch đang đi càn quét. Đó chính là “ám hiệu” được quy ước giữa bộ đội và người dân”, ông Hào kể.

Cựu chiến binh Ngô Song Hào luôn tích cực với hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.

 Trong suốt thời gian đóng tại Buôn Ma Thuột, đại đội của ông Hào nhiều lần đột kích đánh hỏa lực, bắn B40, B41 vào các điểm chốt tại kho Mai Hắc Đế gây hoang mang cho địch.

Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 được khởi động, sau khi nghe tin chuẩn bị có một trận đánh lớn, đêm nào những người lính của Đại đội C304 cũng trằn trọc háo hức mong được cầm súng ra chiến trận. Trước đó, đại đội cũng đã củng cố lại lực lượng phối hợp cùng với các đơn vị chủ lực, đặc công để chuẩn bị cho chiến dịch. Một số đồng chí khỏe mạnh, am hiểu về địa bàn, có kinh nghiệm và kỹ năng tác chiến được điều đi tiếp cận dẫn đường cho bộ đội chủ lực.

2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, quân ta đồng loạt tấn công vào Buôn Ma Thuột. “Thời khắc loa phát thanh phát đi thông tin bộ đội chủ lực đánh chiếm được một số điểm của Buôn Ma Thuột, địch tháo chạy tan tác, tôi cùng đồng đội vỡ òa trong sung sướng. Cảm xúc tự hào xen lẫn vui sướng vẫn còn vẹn nguyên tới bây giờ”, ông Ngô Song Hào hồi tưởng.

Sau giải phóng ông Hào công tác tại Thị đội Buôn Ma Thuột với vai trò trợ lý chính trị. Năm 1981 ông chuyển công tác về Ban Cán bộ Tỉnh đội Đắk Lắk. Năm 1983, ông Hào được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia tới năm 1988 về nước giữ chức Trưởng Ban chính sách Tỉnh đội.

Ông Ngô Song Hào giới thiệu một số hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh.

Sau khi về hưu, ông tiếp tục được tín nhiệm giới thiệu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh từ năm 2006 đến nay. Gần 20 năm tham gia công tác Hội, ông Hào đã lãnh đạo Hội hoạt động hướng đến chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất dộc da cam; là cầu nối quan trọng giúp các cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm đến gần hơn với những người kém may mắn do ảnh hưởng của chiến tranh.

Nhận được nhiều Huân chương, Huy chương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cùng Bằng khen của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về những đóng góp của cá nhân với địa phương sau hòa bình, nhưng với ông Hào, phần thưởng cao quý nhất của người lính Cụ Hồ chính là đã từng được đổ mồ hôi, máu thịt, kề vai sát cánh cùng đồng đội trong những tháng ngày chiến tranh rực lửa để bảo vệ hòa bình, giành lại độc lập, tự do cho quê hương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.