Multimedia Đọc Báo in

"Nói" và "làm" trong phòng, chống bạo lực gia đình

08:57, 07/12/2021

Tăng cường truyền thông, duy trì hoạt động của các mô hình và xử lý nghiêm các vụ bạo lực gia đình là những hoạt động cụ thể đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện thời gian qua, nhằm từng bước cụ thể hóa mục tiêu bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Mừng vì nhà tạm lánh vẫn... "ế"

“Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh tại cộng đồng” là mô hình của tỉnh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chọn thành lập thí điểm tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) cuối năm 2018. Nhà tạm lánh được đặt trong khuôn viên UBND xã, có phòng cách ly cho nạn nhân với giường ngủ, các trang thiết bị cần thiết để sử dụng trong thời gian tạm lánh tại đây.

Mô hình "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng" ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Chị Đoàn Thị Mỹ Dung, cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Bình Hòa, thành viên ban quản lý mô hình cho hay, mặc dù bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận, bố trí nơi ở để cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực nhưng rất vui là sau 3 năm, nhà tạm lánh vẫn “ế”. Các vụ việc như vợ chồng cãi vã, mâu thuẫn, xô xát trên địa bàn xã vẫn còn nhưng chưa đến mức nạn nhân phải tạm lánh để thoát khỏi bạo lực gia đình.

Thời gian qua, các thành viên ban quản lý mô hình còn tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tích cực phối hợp tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Khi trên địa bàn xảy ra vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, các thành viên ban quản lý đã phối hợp với ban tự quản, hội phụ nữ, tổ hòa giải đến gặp gỡ gia đình hoặc mời lên gặp mặt để nắm bắt sự việc, phân tích, thuyết phục cả vợ và chồng. Nhờ vậy, trong 3 năm qua đã hòa giải thành 55 vụ việc.

Tuyên truyền về bình đẳng giới và chính sách dân số cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại buôn Kpung (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin). (Ảnh chụp trước khi bùng phát dịch COVID-19).

Đây chỉ là một trong nhiều mô hình, cách làm được các cấp, ngành, địa phương thực hiện trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 651 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 881 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 699 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 629 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả.

Hành động để giảm thiểu và ngăn chặn

Cùng với công tác tuyên truyền, các sở, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại xã Cư Bao (thị xã Buôn Hồ), thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), nhân rộng ra xã Buôn Tría (huyện Lắk) và xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). Bên cạnh lễ phát động, các địa phương đã tổ chức cho các hộ ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát.

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, qua gần 3 năm triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” về các mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông, bà – cháu, anh, chị em tại các địa bàn thí điểm, người dân đã ý thức hơn trong việc vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc, tự hoàn thiện bản thân, nhường nhịn, sẻ chia, động viên nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.

"Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội ngày càng được tôn trọng và khẳng định" - Giám đốc Sở VH-TT&DL Thái Hồng Hà.
 

Một trong những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn bạo lực gia đình đã được ngành chức năng chú trọng thực hiện đó là can thiệp, xử lý nghiêm các vụ bạo lực gia đình.

Thượng tá Trần Đức Vịnh, Phó Phòng Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Để giảm thiểu bạo lực gia đình, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý cư trú, chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ bạo lực gia đình.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.