Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

15:31, 03/12/2021

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế là hoạt động được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, giúp chị em từng bước ổn định đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo địa phương.

Là gia đình thuộc diện khó khăn tại địa phương, năm 2016 chị H’Liết Mlô (buôn Tring, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) được Hội Phụ nữ phường hỗ trợ một con bò sinh sản. Được trao “cần câu”, chị H’Liết chú trọng chăm sóc vật nuôi, đồng thời trồng thêm cỏ tạo nguồn thức ăn cho bò. Sau 5 năm, chị đã có đàn bò 7 con.

Cùng với đó, chị được Hội Phụ nữ phường hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây trồng để cải tạo lại 3 sào đất rẫy trồng cà phê. Mới đây, chị còn mở thêm một cửa hàng tạp hóa tại nhà để phục vụ nhu cầu mua thực phẩm tiêu dùng hằng ngày của bà con trong buôn.

Chị H’Liết chia sẻ: “Được sự hỗ trợ, tư vấn của Hội Phụ nữ phường, gia đình tôi thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, biết tận dụng những thứ có sẵn tại gia đình để tạo nguồn thu nhập ổn định. Năm 2020, gia đình thoát nghèo, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước”. 

Đại diện Hội LHPN thị xã Buôn Hồ trao bò sinh sản cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số.

Qua khảo sát thực tế tại hai buôn đồng bào DTTS là buôn Ea Rơk và buôn Vân Kiều, Hội LHPN xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình sản xuất, kinh doanh của các hộ phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ để xây dựng mô hình trồng lúa nước.

 

“Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS” là một trong hai cuộc vận động lớn được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, các đơn vị sẽ cụ thể hóa nội dung sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương; gắn triển khai thực hiện cuộc vận động với các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động và các phong trào để giảm nhanh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS.

Chị Cao Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu ở nơi này rất phù hợp và có sẵn nguồn nước tưới nên Hội đã mạnh dạn xây dựng mô hình tại hai buôn với mục đích hỗ trợ chị em cải tạo lại diện tích đất trống bỏ hoang để trồng lúa nước.

Ngoài hỗ trợ về vốn, Hội LHPN xã còn phối hợp với các đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật và giống lúa, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên kiểm tra, giám sát theo hướng “cầm tay chỉ việc” để chị em thay đổi tư duy sản xuất.

Khi vụ lúa đầu tiên cho thu hoạch đạt năng suất 6,5 tạ/sào, chị em trong buôn rất phấn khởi. Hiện nay, hầu hết diện tích đất bỏ hoang trước đây đều đã được hội viên phụ nữ tận dụng để canh tác, tạo thêm thu nhập cho gia đình. 

Là một trong những đơn vị triển khai thực hiện khá tốt Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của gia đình phụ nữ DTTS nghèo tại chỗ”, đến nay Hội LHPN huyện Krông Ana đã xây dựng được 7 mô hình điểm tại 7 xã trên địa bàn.

Theo chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana, việc tập trung xây dựng mô hình phụ nữ DTTS tại chỗ chăn nuôi, trồng cây ăn trái nhằm từng bước đổi mới phương thức sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tạo việc làm tại chỗ, giúp hội viên phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong quá trình phát triển mô hình, Hội LHPN huyện, xã sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ bảo đảm phát huy hiệu quả để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình.

Hội LHPN huyện Krông Ana cùng chính quyền địa phương tham quan mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn

Để giúp phụ nữ DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc… thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung vận động phụ nữ DTTS đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận các kiến thức về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế của từng địa bàn.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, các cấp Hội đã hỗ trợ 1.482 phụ nữ DTTS vay vốn từ các tổ, nhóm tiết kiệm tín dụng với tổng số tiền trên 15,3 tỷ đồng; hỗ trợ 873 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên 12,3 tỷ đồng; đào tạo nghề cho 6.757 phụ nữ DTTS; giúp 1.811 phụ nữ DTTS làm chủ hộ thoát nghèo.

Để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ chị em, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở hội triển khai Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của gia đình phụ nữ DTTS tại chỗ” tại các địa phương.

Tỉnh Hội đã xây dựng 19 mô hình tại các buôn đồng bào DTTS; đồng thời đề xuất với chính quyền hỗ trợ vốn, cây, con giống cho các thành viên tham gia mô hình, giúp chị em biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, quản lý, sử dụng đồng tiền hợp lý, có ý thức vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống..

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.