Multimedia Đọc Báo in

Mưu sinh nhờ sen trên hồ Ea R’bin

09:12, 10/10/2021

Cách trung tâm xã Ea R’bin tầm 10 km, với diện tích mặt nước hơn 150 ha, hồ Ea R’bin là hồ nước tự nhiên có nguồn lợi thủy sản phong phú như cua, tôm, cá... và là điểm du lịch đầy tiềm năng của huyện Lắk. Đây cũng là hồ sen tự nhiên lớn, nơi mưu sinh của nhiều hộ dân địa phương nhờ bán củ, ngó, hạt sen.

Để đến được hồ, người dân phải đi xe khoảng 5 km băng qua cánh đồng, đi bộ men theo đường ruộng tới con kênh dẫn nước từ hồ ra mới có thể chèo ghe vào.

Ông Lê Kim Sơn (trú xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã có đến 20 năm mưu sinh trên hồ Ea R’bin. Nhìn đôi tay gân guốc của ông dồn sức gồng mình cầm lấy cây sào dài tầm 3 mét chống thẳng xuống lòng hồ để di chuyển chiếc ghe vào những đám sen chằng chịt lá mới thấy được nghề thu hoạch sen (hái gương, đào củ, lấy ngó) vất vả thế nào.

Người dân chèo ghe để hái gương sen trên hồ Ea R'bin (huyện Lắk)

Ông Sơn chia sẻ, muốn hái được 30 - 40 kg hạt sen không hề đơn giản, sáng sớm đã phải băng đường đất lầy lội, chèo ghe vòng vèo ngược dòng kênh tầm 4 - 5 km mới tới được vị trí có sen. Ông phải tranh thủ hái lúc còn sương đọng trên cây kẻo đứng trưa, nắng rọi thẳng vào mặt hồ bóng lóa, không tài nào nhìn được gương sen để hái. “Những gương sen già, ngả tím chắc nịch, không bị thối lép, lại to tròn mới có thể thu hoạch. Nhiều gương sen lớn bằng bàn tay nhưng vỏ còn xanh chưa ngả tím hái về không bán được vì ruột sen còn non, tách ra sẽ không có vị bùi béo như sen già”, ông tiết lộ thêm.

Việc lấy ngó, đào củ sen khó hơn rất nhiều so với hái gương sen trên mặt nước, phải là những người có kinh nghiệm mới tìm được củ sen già, ngó sen non. Cứ vào dịp mùa sen tháng 6 và tháng 11 hằng năm, anh Đỗ Thành Lâm (sống tại thôn Ea R’bin, xã Ea R’bin) lại gói gém quần áo, vật dụng vào dựng chòi ven bờ hồ Ea R’bin để làm chỗ ngủ nghỉ trong những tháng thu hoạch sen.

Với 17 năm mưu sinh trên hồ sen này, anh Lâm thuộc lòng mọi ngóc ngách, nơi nào nước nông, nơi nào nước sâu, khu vực nào có nhiều gương, củ và ngó sen nhất. Nhờ vậy, có ngày anh hái được hơn 1 tạ gương sen để mang ra nhập sỉ cho thương lái.

Vào thời điểm nước cạn, anh tranh thủ ngụp lặn xuống hồ đào củ, hái ngó sen mang bán. Đào củ là việc khó nhất trong các công đoạn thu hoạch sản phẩm từ sen, bởi nó nằm sâu dưới lớp bùn, phải có bàn tay khỏe mạnh thì mới đào được mà không làm gãy thân củ. Giá củ sen cao hơn nhiều so với hạt sen, nhưng công đoạn đào vất vả nên không phải ai cũng làm được.

Gương sen hái xong được người dân đóng trong các bao lớn mang vào bờ.

Nhà ít đất sản xuất, mấy năm nay anh Lương Văn Chính (ở buôn Phôk, xã Ea R’bin) đều đến hồ Ea R’bin thu hoạch sen để kiếm sống. Nhờ hồ sen này mà gia đình anh có thêm được nguồn thu để trang trải cuộc sống hằng ngày.

Bằng sự chịu khó lam lũ, bà con nơi đây vẫn hằng ngày mưu sinh trên hồ nhờ sản vật mà thiên nhiên ban tặng để cuộc sống vơi bớt vất vả, khó khăn. Những năm gần đây, hạt sen từ hồ Ea R’bin được nhiều người ở các tỉnh thành khác biết đến nhờ vị bùi, béo, được ví sánh ngang chất lượng hạt sen của những nơi trứ danh về sen như Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.