Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng sức trẻ (kỳ 1)

07:52, 27/08/2021

Tổ chức Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong tập hợp lực lượng trẻ tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương. Triển khai công tác thanh niên thời kỳ mới phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác Đoàn ở địa bàn dân cư là nhiệm vụ mà các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện.

"Đất dụng võ" cho những ý tưởng mới

Việc tìm tòi, nghiên cứu và tổ chức những chương trình hoạt động hấp dẫn, thu hút đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia đang là một trong những vấn đề được quan tâm. Bằng sự nỗ lực của mình, các cấp bộ Đoàn đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm mới, từng bước phát huy hiệu quả trong thực tế.

Tận dụng thế mạnh của mạng xã hội

Cuối năm 2020, Trung ương Đoàn đã cho ra mắt ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”. Ngoài việc kết nối và tạo dựng một kênh cung cấp thông tin chính thống, ứng dụng còn hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thanh niên tìm kiếm thông tin về học tập, nghề nghiệp, việc làm và các dịch vụ, tiện ích khác.

Mạng xã hội Facebook là kênh tuyên truyền trực quan hiệu quả của các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh.

Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “90 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” là cuộc thi trực tuyến trên ứng dụng di động chuyên biệt đầu tiên dành riêng cho đoàn viên, thanh niên. Với giao diện được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng, hình thức thi đa dạng, hấp dẫn, cuộc thi đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị có sức lan tỏa tốt, hiệu ứng xã hội sâu rộng, thu hút trên 3,7 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.

“Công tác thanh niên thời kỳ mới đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải có kỹ năng, trình độ để không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; thật sự gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của đoàn viên thanh niên, từ đó xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổ chức phong trào phù hợp với từng địa bàn” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Y Lê Pas Tơr.

Trước đó, cuộc thi ảnh “Thách thức để thay đổi” do Trung ương Đoàn tổ chức thông qua mạng xã hội (MXH) Facebook cũng đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp thách thức bản thân ở các hoạt động tình nguyện của giới trẻ. Cuộc thi đã thu hút 5,9 triệu lượt người tiếp cận, hơn 1 triệu lượt người tương tác (like, chia sẻ, bình luận) trên Facebook. Với ý tưởng biến một phong trào trên MXH thành cuộc thi rộng khắp, các cấp bộ Đoàn đã thật sự tạo ra làn sóng "Thách thức để thay đổi", đánh thức trách nhiệm, ý thức trong tuổi trẻ cả nước.

Tham gia cuộc thi, chàng trai Êđê Y Hlý Niê Kdăm (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) với câu chuyện và hình ảnh về việc thực hiện xóa 15 "điểm đen" về rác thải ở nơi mình sinh sống một cách hệ thống và bền bỉ đã để lại nhiều ấn tượng với đông đảo cộng đồng mạng, giúp anh trở thành tác giả được yêu thích nhất và đoạt giải “Nhân vật truyền cảm hứng”.  Là một đảng viên trẻ, Phó Bí thư đoàn xã, anh Y Hlý Niê Kdăm cùng Ban Chấp hành Đoàn xã có những cách thức làm việc linh hoạt, phù hợp thực tế, phát huy sức trẻ tình nguyện xung kích vì cộng đồng, tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, trong đó việc sử dụng MXH như trong cuộc thi này đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu ứng rõ rệt.

Đoàn viên thanh niên TP. Buôn Ma Thuột tham gia vẽ tranh tường xóa "điểm đen" rác thải.

Ở nhiều địa phương, các bạn trẻ đã xem "Thách thức để thay đổi" như việc làm thường xuyên để bảo vệ môi trường sống, chứ không chỉ đơn thuần là "dọn rác check in" một vài lần rồi thôi. Riêng ở Đắk Lắk, hoạt động này đã tạo ra một làn sóng bảo vệ môi trường rộng lớn, tích cực. Thông qua các hoạt động thường xuyên như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” hay các chương trình, chiến dịch lớn như Thanh niên tình nguyện hè, Tháng Thanh niên, ĐVTN các đơn vị đã sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động phong phú như vệ sinh môi trường, vẽ tranh bích họa, kêu gọi chống rác thải nhựa, bom hạt giống...

Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, toàn tỉnh hiện có hơn 460.000 thanh niên trong độ tuổi Đoàn, chiếm 25% dân số. Đây là lực lượng quan trọng, năng động, nhạy bén, có khả năng tiếp cận với khoa học kỹ thuật và ngành nghề mới nhanh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Tại Đắk Lắk, trong 3 năm trở lại đây, việc sử dụng MXH để triển khai các hoạt động Đoàn đã thực sự phát huy hiệu quả. Hiện nay, 100% các cơ sở Đoàn trong tỉnh đều sử dụng MXH Facebook để tuyên truyền, đăng tải thông tin, hoạt động tại đơn vị; thành lập các nhóm Zalo trao đổi thông tin nội bộ, nắm bắt tâm tư, tình cảm của ĐVTN từ đó kịp thời định hướng, điều chỉnh hoạt động phù hợp.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn chia sẻ: “Hiện nay hầu hết bạn trẻ đều sử dụng ít nhất một MXH, vì thế để làm tốt công tác tuyên truyền trong bối cảnh mới, các tổ chức Đoàn cần phải xem đây như một kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng để nắm bắt tư tưởng của ĐVTN. Các thông tin được sử dụng trên MXH phải bảo đảm mới, nhanh và có nội dung gắn với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội. Điều đó cũng đòi hỏi cán bộ Đoàn ở cơ sở phải có kiến thức, kỹ năng xây dựng, thiết kế những thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thể hiện và dễ lan tỏa bằng Infographic, Timeline, Megastory hay Multimedia…”

Đoàn viên thanh niên thực hiện công trình Thắp sáng đường quê xây dựng nông thôn mới tại huyện Krông Năng.

Tôi luyện từ “trường học” cơ sở

Quán triệt mục đích, ý nghĩa chủ trương 1+2 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về chế độ đi công tác cơ sở của cán bộ Đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành Kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo thực tế ở cơ sở và Kế hoạch cử cán bộ Đoàn tăng cường đi cơ sở giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, các đồng chí thường trực, lãnh đạo các ban, bộ phận Tỉnh Đoàn bắt buộc phải làm việc tại cơ sở ít nhất 20 đợt/năm. Mỗi đợt phải làm việc với ít nhất 2 cơ sở Đoàn và mỗi quý tham gia ít nhất 2 buổi sinh hoạt chi đoàn tại cơ sở. Đối với các cán bộ Đoàn chuyên trách không giữ chức vụ lãnh đạo phải làm việc tại cơ sở ít nhất 10 đợt/năm. Trong đó đặc biệt chú trọng tham gia sinh hoạt chi đoàn tại cơ sở.

Được cử đi đào tạo thực tế ở Huyện Đoàn Ea Kar từ tháng 3-2021, anh Y Ngan Niê (nguyên Phó Trưởng Ban Phong trào Tỉnh Đoàn) đã chủ động lên kế hoạch công tác để có thể vượt qua những khó khăn trong tiếp cận công việc tại đơn vị mới. Xác định thời gian về cơ sở chỉ trong thời gian 12 tháng, anh Y Ngan luôn tận dụng thời gian để bám sát địa bàn, tham gia chương trình công tác, các phong trào hành động, giám sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, đoàn viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, anh còn trau dồi phương pháp kỹ năng làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo đối thoại với thanh thiếu niên, đoàn kết tập hợp thanh niên ở cơ sở, để đề xuất xây dựng các chương trình công tác phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thu gom rác thải tái sử dụng là hoạt động thường xuyên của đoàn viên thanh niên phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.

Được giao phụ trách tham gia sinh hoạt Đoàn cơ sở tại huyện Krông Bông, anh Võ Tiến Tuấn Niê, cán bộ Ban Thanh thiếu nhi – Trường học Tỉnh Đoàn đã có cơ hội nghiên cứu tìm hiểu cặn kẽ công tác Đoàn ở địa phương. Tham dự nhiều buổi sinh hoạt Đoàn nơi cư trú, anh đã phát hiện ra một số cách làm hay đồng thời nhìn ra một số nội dung hạn chế trong hoạt động của Đoàn cơ sở rồi thảo luận với cán bộ Đoàn địa phương tìm hướng tháo gỡ kịp thời.

Theo đánh giá của Tỉnh Đoàn, việc triển khai chủ trương 1+2 đã giúp việc đi cơ sở của cán bộ Đoàn cấp tỉnh vào nền nếp, có trọng tâm, trọng điểm; không chỉ tạo cơ hội để cán bộ Đoàn được rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và trưởng thành hơn mà còn hỗ trợ tích cực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở cơ sở.

(Còn nữa)

Vân Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.