Multimedia Đọc Báo in

Gặp gỡ Ban Mê

08:52, 26/09/2023

Tôi đến Buôn Ma Thuột lần này để dự hội nghị tập huấn “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật (VHNT) trong tình hình mới” do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức đầu tháng 8/2023, có nhiều văn nghệ sĩ cả nước cùng tham dự.

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk tận dụng cơ hội, rủ rê ngay: “Tối nay mời mọi người cùng đọc thơ ở Đường sách Buôn Ma Thuột nha”. Ý tưởng quá hay được mọi người hưởng ứng ngay. Chập tối, khá đông nhà thơ và người yêu thơ kéo nhau đến Đường sách Buôn Ma Thuột. Nhìn quanh, nhận ra nhiều người khá nổi tiếng trong giới cầm bút như Lê Vĩnh Tài, Niê Thanh Mai (Đắk Lắk), Nguyễn Thuý Quỳnh (Thái Nguyên), Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), Lê Vi Thủy (Gia Lai), Bùi Quang Truyền, Phương Huyền (TP. Hồ Chí Minh)… Nhà văn Phương Huyền tự đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình thơ “Gặp gỡ cùng Buôn Ma Thuột”.

Các văn nghệ sĩ dự đêm thơ “Gặp gỡ Buôn Ma Thuột”.

Các nhà thơ gặp gỡ và đọc thơ không hề là chuyện lạ, nhưng không khí thơ như thế này tại Ban Mê và nhiều nơi khác là khá hiếm gặp. Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh nói xa xôi hơn: “Các nhà thơ gặp nhau và đọc thơ hiện không thấy ở nhiều nơi. Dường như các nhà thơ đã đánh mất điều đó trong cuộc sống của mình. Chúng ta thiếu đi sự lắng lại, thiếu sự kết nối và dành cho nhau những khoảnh khắc thơ thiêng liêng”. Tôi cũng chia sẻ: Nữ sĩ Quỳnh Iris de Prelle ở Bỉ cũng từng hẹn về Huế đọc thơ bên sông Hương, nhưng ước nguyện đó đã 5 năm rồi chưa thực hiện được. Nhiều năm trước, anh em văn nghệ Huế cũng đã nêu ý tưởng cứ mỗi đêm rằm rủ nhau lên sân ga Huế đọc thơ dưới những ngọn đèn dầu liêu trai. Ý tưởng nêu lên ai cũng cho là quá hay, nhưng rồi cũng chỉ là một dự định đang còn lưu dấu đó đây trên cây, trên lá…

Nhưng đêm nay đang thực sự là đêm của thi ca. Lê Vĩnh Tài nổi tiếng với những vần thơ: “quê hương ôi Người vỡ ra mưa ấm/ ta cùng Người đến bên bờ sông đầy cỏ/ lấy vạt áo ta lau gượng nhẹ cho Người/ ta lặng ngắm Người hạnh phúc/…phố núi phố núi thành phố buồn muôn thuở/ bạn đi ngang con chim Nhông đang học nói tiếng người/ tượng nhà mồ lấy ra từ mắt gỗ/ mưa ngỡ ngàng đôi vú màu đen…” (Trường ca cho quê hương của một ngàn năm trước).

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh với những cảm thức chân thật, thế giới hiện lên với những sự sống động cố hữu của nó, đầy suy tưởng: “Thế giới loài người/ mỗi ngày dưới những bánh xe/ lại biến mất hàng nghìn sinh mạng/ như không/ Nên trong con số thống kê của sổ sách nhật trình/ không có nó/ Nhưng tôi tin thế giới loài mèo/ Đang lặng câm khóc” (Về một con mèo bị xe cán).

Nhiều nữa, thơ phiêu bồng cho đến mười một giờ khuya mới tan theo sương thu.

Đêm tiếp theo, cũng từ một ý tưởng khác của nhà văn Niê Thanh Mai: Các chủ tịch Hội VHNT của các tỉnh có đêm hội ngộ ở Ban Mê. Họ từ Sơn La, Thái Nguyên, Huế, Nha Trang, Bình Định, Quảng Nam, Sóc Trăng, Tiền Giang… cùng về bên bếp lửa bập bùng ở buôn Akô Dhông. Lửa soi sáng ché rượu cần. Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ xưa đến nay. Khi uống rượu, nam nữ có thể múa hát, những người già kể chuyện cổ tích, trường ca, sử thi bên lửa và ché rượu cần. Còn đêm đó, các văn nghệ sĩ đã hát, đọc thơ, nhảy múa. Lửa soi hồng từng gương mặt rạng ngời. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tham gia đêm hội ngộ chia sẻ: “Rất vui và xúc động bởi rất lâu rồi mới có dịp cùng văn nghệ sĩ “cháy” hết mình trong không gian đầy chất thơ như thế”.

Mùa thu Ban Mê năm nay thật nhiều điều hay. Tất cả những hoạt động đó đã làm cho hoạt động VHNT những ngày thu ở Đắk Lắk năm nay thật sôi động, nhiều ý nghĩa. Có cảm giác không gian VHNT của Đắk Lắk đang ngày một rộng hơn và có chiều sâu hơn.

Hồ Đăng Thanh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm