Multimedia Đọc Báo in

Tình thơ gửi lại Ban Mê

09:24, 26/09/2022

Anh ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 27. Nhưng tác phẩm – di cảo thơ anh để lại đã chỉ dấu nếu còn sống anh chắc hẳn đã trở thành một nhà thơ tên tuổi, ít nhất là trong lứa tuổi cùng thế hệ với anh.

Lê Viết Tường tốt nghiệp khóa 4 khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Đắk Lắk. Vì một biến cố trong đời sống gia đình, sau khoảng thời gian gắn bó với Tây Nguyên, Lê Viết Tường tranh thủ vài ngày phép về Huế. Và rồi buổi chiều định mệnh ấy đã đến. Anh neo đậu đời mình và để giấc mơ thi sĩ chìm vào con nước Hương Giang trong một buổi chiều hoàng hôn tím đẫm. Tím mãi cho đến bây giờ, trong nỗi nhớ của gia đình, thầy cô, bạn bè đồng môn, đồng nghiệp…

Bìa tập thơ của Lê Viết Tường.

Năm 2022, sau một thời gian cất công tìm kiếm từng trang báo cũ, nhắn gửi những người từng quen biết Lê Viết Tường lục lọi trong ký ức…, nhà thơ Trần Tuấn và nhóm bạn bè ở Đà Nẵng, Huế, Tây Nguyên… đã tập hợp những bài thơ của Lê Viết Tường kèm những bài viết về anh để in thành tập “Đưa em về nhận mặt quê hương & những bài thơ tìm lại” (Nxb Thuận Hóa, 2022).

Đọc lại toàn bộ di cảo thơ Lê Viết Tường, điều dễ nhận ra là giọng điệu trữ tình của người con xứ Huế. Và trong bức tranh mềm mại của tâm hồn đa cảm ấy vẫn thấy chớp lóe lên những cánh rừng, dòng sông, ngọn suối, những nương rẫy, con đường bụi đỏ… ở Tây Nguyên. Chắc hẳn ít nhiều, khoảng thời gian ngắn ngủi Lê Viết Tường sống ở TP. Buôn Ma Thuột, công tác ở các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk và cả những chuyến rong chơi bầu bạn ngang dọc những nẻo đường Tây Nguyên đã cho anh niềm cảm hứng mạnh mẽ với vùng đất này.

Gắn bó với vùng đất mới, dù không phải quê gốc nhưng Lê Viết Tường đã thương mến vùng đất này, xem nơi chốn mình gởi thân sẽ là mạch nguồn khơi gợi cảm hứng thi ca. Trong bài “Sắp xuân”, anh viết: “Sắp xuân rồi chúng mình cứ cười lên/ Cứ ưỡn ngực hít khí trời hào phóng/ Cho câu thơ suốt đời còn ấm nóng/ Và tràn trề hy vọng của mùa xuân” (Buôn Ma Thuột 1/1987, di cảo do nhà thơ Phạm Đương cung cấp).

Gia đình và người thân của Lê Viết Tường trong buổi giới thiệu tập thơ.

Có khá nhiều bài thơ được Lê Viết Tường ghi chú sáng tác tại TP. Buôn Ma Thuột. Kể ra như bài “Nghe đọc thơ” (trang 64) ghi Buôn Ma Thuột, ngày 20/4/1986 (di cảo do nhà thơ Đặng Bá Tiến cung cấp); bài “Về những con đường trong lòng bàn tay tôi” (trang 66) ghi Buôn Ma Thuột, tháng 5/1986 (di cảo do nhà thơ Đặng Bá Tiến cung cấp). Đặc biệt, trong tập thơ có bài “Khúc hát tặng những người đi tìm nước” (với 3 chương: Nước, Những người đi tìm nước, Nước) ghi chú ở cuối bài: Buôn Ma Thuột, mùa xuân 1983 (Tư liệu do nhà thơ Đặng Bá Tiến cung cấp, trang 50). Bài thơ dài trĩu nặng những thi ảnh cao nguyên, gợi nhớ những nhân vật sử thi qua cuộc sống đời thường. Bắt đầu từ ám ảnh của miền bazan khát trong chương đầu có tên “Nước”: “Nước là ước mơ khát vọng ngàn đời/ Nơi cao nguyên mặt trời cháy bỏng/ Nơi cao nguyên mịt mù gió lộng/ Thân mẹ gầy như cọng lúa trên nương/… Những đoàn người đèo địu nhau đi bỏ lại buôn làng/ Bỏ lại ngôi nhà dài như tiếng hú/ Bỏ lại đêm hội làng vui không ngủ/ Trai gái trao vòng bên ché rượu thơm…”. Chương giữa “Những người đi tìm nước” khắc họa chân dung những người hùng thầm lặng đi tìm nguồn nước hồi sinh cho buôn làng, xứ sở: “Các anh là những người đi tim nước/ Như chàng Lăk, chàng Liêng năm xưa/ Các anh cũng vượt đèo băng núi/ Vẫn khát cháy lòng trong sáu tháng mùa mưa… Các anh tạo ra những con đường cho nước đi xa/ Về tận buôn làng, từng buôn xa nơi nguồn nước/ Các anh đã làm nên truyền thuyết/ Của thời đại chính mình”. Và chương cuối “Nước” tràn vỡ tiếng reo vui, giữa mùa khô cao nguyên, trong cảm thức nối dài của lịch sử, từ gốc gác miền châu thổ xa xôi đến với đại ngàn cao nguyên: “Và vui sao cây lúa mọc trên đồng/ Cây lúa nước của sông Hồng, sông Mã/ Cây lúa của bốn nghìn năm làm nên nền văn minh châu Á/ Tháng năm này xanh mướt giữa cao nguyên…”. Có thể nói, với bài thơ dài “Nước”, Lê Viết Tường đã cho thấy anh có sự thẩm thấu văn hóa dày dặn, sự chiêm cảm nặng lòng với vùng đất quê hương của chàng Đam San. Nhiều hình ảnh vừa quen, vừa lạ. Quen như bước thẳng ra từ các trường ca dân gian: “Một nửa đời đi và mơ ước/ Con lươn thần trốn ở nơi đâu?... Con lươn thần trốn ở nơi đâu?/ Chặt hết rừng tre rừng nứa/ Người đổi hết nồi đồng, chiêng, ché/ Con voi đổi ngà, chim đổi trứng… nước ơi!”. Lạ như cuộc sống đang thay đổi trong từng giây phút: “Chuyện bây giờ điện sáng giữa rừng cây/ Cái ánh sáng đã trốn vào trong nước/ Cái ánh sáng của bao đời mơ ước… Những buôn làng đông vui lại nơi đây/ Quanh nguồn nước không bao giờ cạn/ Nước tìm đến người để làm bầu bạn…”.

Đọc lại di cảo thơ Lê Viết Tường, nhà thơ Phùng Tấn Đông nhận xét: “Tường đến Tây Nguyên tuổi 24, 25 sau những chuyến điền dã ở vùng đất mà đời sống người dân khó khăn bậc nhất đất nước lúc bấy giờ, nhất là đồng bào thiểu số, cuộc sống cơ cực đó đã vào thơ Tường... Riêng Tường, sau cơn sốt rét rừng - chính khung cảnh đại ngàn đã “mặc khải” cho Tường niềm yêu sống, đó là những bông cúc tần rực nắng “ngẩng cao đầu trong gió dữ mùa khô” (Mãi hát khúc hát chân trời…, trang 81). Nhận xét của nhà thơ Phùng Tấn Đông đã nhấn mạnh điều cốt yếu trong “căn cước” thơ Lê Viết Tường chính là sự “khải thị” của tâm hồn thi nhân xứ Huế trước con người và đại ngàn, sông, suối Tây Nguyên. Nơi cuộc sống, thời điểm ấy dẫu còn nhiều khó khăn vẫn không làm mất đi trong anh niềm tin yêu cuộc sống, về những gì tốt đẹp đã và đang tới.

Nhà thơ tài hoa nhưng yểu mệnh Lê Viết Tường đã sớm được bạn đọc biết đến tài thơ khi còn rất trẻ, còn ngồi trên ghế giảng đường. Một trong những thi phẩm được nhiều người chuyền tay, truyền tụng là bài thơ “Đưa em về nhận mặt quê hương” với những câu thơ chân thực bùn đất mà thăng hoa, xót xa neo đậu trái tim người đọc. Xin trích ra đây một đoạn dài chứng thực: “Đưa em về nhận mặt quê hương/ đáng lẽ tôi sẽ chọn đưa em về trong niềm vui ngày hội/ nhưng sợ lòng mình giả dối/ bởi mọi người sẽ làm bộ dễ thương/ Đưa em về nhận mặt quê hương/ xin đừng trách tôi đưa em về nhằm ngày mưa dữ/ khi đường vào làng có những vũng bùn đất đỏ/ có lũ đỉa ngo ngoe đánh được hơi người/ Nếu thật lòng em ở lại cùng tôi/ cùng những con người đầu tắt mặt tối/ sau cơn lũ ta đắp đường sửa lối/ để gương mặt mọi người trong ngày hội thật hơn/ để đêm dài thôi chua xót từng cơn/ để hoa khế thôi rưng rưng màu tím/ để câu hát mừng bông lúa chín/ lại xôn xao trong mỗi trái tim người/ Nếu thật lòng em ở lại cùng tôi…”.

Bao giờ cũng vậy, quê hương trong tâm hồn thi sĩ rất cụ thể như là chỗ chôn nhau cắt rốn nhưng cũng rất trừu tượng khi bước chân người thơ lãng du hoặc gắn bó đời mình với nơi chốn nào đó. Nhà thơ Lê Viết Tường hẳn đã có những tháng ngày yêu mến, cảm tình sâu nặng nên thơ anh mới tỏ bày một tình yêu với Tây Nguyên như là quê hương thứ hai trong tâm hồn mình.

Rất tiếc, tài thơ của Lê Viết Tường đã sớm dừng bước, khi tuổi đời anh còn quá trẻ. Sẽ không bao giờ có “giá như”, nhưng nếu được một lần “giá như” Lê Viết Tường còn sống, thì có lẽ anh sẽ để lại những bài thơ, dòng thơ tài hoa hơn, hay và rung động hơn về Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Nhưng cả khi mệnh đề “giá như” đã không xảy ra thì Lê Viết Tường, với những dòng thơ di cảo để lại cũng luôn ấm áp trong lòng bạn bè, độc giả. Với một tình thơ ngắn ngủi nhưng sâu nặng với phố núi Ban Mê, nơi anh có một khoảng đời, khoảng trời xanh trong tâm hồn và chữ nghĩa mà anh để lại.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nguồn cội 
11:41, 23/09/2022
Về quê
11:40, 23/09/2022
Khúc tình thu…
15:32, 17/09/2022
Vọng quê nhà
15:30, 17/09/2022
Đong đầy tuổi em
15:30, 17/09/2022
Vấp vào mùa thu
15:29, 17/09/2022
(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.