Multimedia Đọc Báo in

Nhà làng trong đời sống của người Ve

08:36, 28/05/2023

Người Ve ở Quảng Nam cư trú tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Nam Giang dọc theo biên giới với nước bạn Lào.

Đây là một trong những cư dân bản địa có đời sống tinh thần phong phú, đến nay còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó Ơớng - ngôi nhà làng vốn là trái tim làng người Ve, là bộ phận thiêng liêng, được dựng nên như một minh chứng cho sức mạnh cộng đồng từ tinh thần đoàn kết, sáng tạo.

Người Ve ở hai xã Đắc Re, Đắc Pring (huyện Nam Giang) là nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ - Triêng, còn giữ nguyên các họ như: họ Hiên, họ Jơ Râm, họ Brôi, họ Tờ Ngôn, Kring, Phông… thường làm nhà sàn ở núi cao, nhiều người gọi đó là làng/thôn lưng chừng trời. Một trong những đặc trưng văn hóa của đồng bào Ve đó là ngôi nhà truyền thống (Ơớng). Đây là loại hình kiến trúc độc đáo có vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của cư dân Ve.

Nhà làng (Ơớng) của người Ve ở thôn Công Răng, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam).

Khi nói về sự có mặt của Ơớng, những người Ve lớn tuổi am hiểu phong tục tập quán kể rằng: Bất kỳ làng người Ve nào cũng có Ơớng cao sừng sững nằm ở vị trí trung tâm của làng, là nơi linh thiêng nhất đối với đồng bào. Xưa kia, người Ve lợp nhà làng bằng lá tranh, có làng lợp bằng nứa lớn bổ dọc, trẩy lồng mắt và sắp xếp kiểu âm dương cho Ơớng và cao hơn nhà dân. Nứa không chỉ dùng để lợp mà còn dùng để làm phên và sàn cho Ơớng. Nhà làng thường có từ 4 - 6 bếp, con trai Ve từ thuở thiếu niên đã đến ngủ ở nhà làng, riêng nữ khi đến tuổi yêu đương mới ra đây ngủ. Đây là nét độc đáo rất riêng của tộc người Ve.

Người Ve quan niệm, Ơớng là điều thiêng liêng cao qúy và rất đỗi thân thương không thể thiếu trong đời sống và tinh thần. Ơớng gắn với cồng chiêng, những điệu múa xoang trong mùa lễ hội truyền thống, gắn với những đêm quây quần cạnh bếp lửa bên trong Ơớng người già kể khan (sử thi) cho con cháu nghe, qua đó mà biết gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, giúp gắn kết cộng đồng.

Theo phong tục truyền thống, để xây dựng Ơớng, người làng quy tập các dòng họ phân công nhau mỗi người, mỗi tổ một công việc, từ tìm gỗ làm trụ cột, lồ ô làm vách và sàn, lá mây hoặc cỏ tranh lợp trên mái, dây mây để buộc mối, buộc lá mây hoặc cỏ tranh thành tấm để lợp mái. Khi vật liệu tập kết đủ đầy, già làng làm lễ cúng và tất cả mọi người trong làng cùng nhau dựng Ơớng. Già làng là người trực tiếp giám sát, chỉ huy dân làng để đảm bảo hiệu quả thẩm mỹ theo kiến trúc truyền thống, phân công trách nhiệm cho từng hộ dân; từ người già đến trẻ em, ai cũng tự thấy phần trách nhiệm của mình trong đó và tự giác thực hiện.

Dù cùng thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống song Ơớng của người Ve có nhiều điểm khác so với nhà đồng bào Cơ Tu và Tà Riềng trong vùng. Ơớng của người Ve bao giờ cũng nằm giữa trung tâm của làng trên một diện tích và không gian thoáng đãng. Ơớng dài 12 m, rộng 7 m, cao 10 m, có 8 cột chính và 6 cột phụ. Ơớng được dựng theo hướng Đông - Tây. Cửa thường được mở về hai bên chính diện. Ơớng có hai cầu thang. Cầu thang ở phía đông dành cho đàn ông và thanh niên; còn cầu thang ở phía tây dành cho phụ nữ, con gái. Ngoài ra, phía trước còn có cầu thang chung dành cho khách mỗi khi lên nhà làng. Trên mỗi cửa ra vào và tấm ván thưng trước Ơớng bao giờ cũng có biểu tượng của sừng trâu - tượng trưng cho vật hiến tế thần linh.

Giống như phần lớn các dân tộc thiểu số trong huyện Nam Giang, người Ve có tín ngưỡng đa thần vạn vật hữu linh; từ đó nảy sinh nhiều lễ thức trong sinh hoạt cộng đồng cũng như hiến sinh trâu cúng thần linh, tục ăn cơm mới, đến tục dựng và mừng Ơớng. Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng nông thôn mới, trong những lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, đám cưới..., người Ve không còn tổ chức hiến sinh trâu linh đình, mà trong làng nhà nào có gì thì góp nấy. Ai có gà mang gà, có rượu góp rượu, hoặc góp sức, góp công sau đó tập trung đến Ơớng, già làng cúng thần linh xong, mọi người cùng nhau uống rượu chung vui. Ơớng trở thành nhà sinh hoạt văn hóa để bà con dân tộc Ve tập trung họp hành, nghe những chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đón tiếp khách quý, nơi bàn bạc chuyện làm ăn trên cái nương cái rẫy, đoàn kết xây dựng quê hương.

                          Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.