Multimedia Đọc Báo in

Gốm Chăm

06:07, 18/12/2022

Nghề làm gốm tồn tại lâu đời trong cộng đồng dân tộc Chăm. Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tồn tại đến ngày nay là sự nối tiếp truyền thống làm gốm của dân tộc Chăm. Gốm đã trở thành một phần rất quan trọng trong di sản văn hóa của dân tộc Chăm.

Nhiều di chỉ khảo cổ học về lò gốm, nơi sản xuất đồ gốm được khai quật ở miền Trung và đồ gốm chôn theo tại các di chỉ mộ táng ở nam Tây Nguyên là minh chứng cho sự phát triển nghề gốm của Vương quốc Champa xưa.

Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vào thời thịnh trị của vương triều Vijaya, gốm Chăm không những sản xuất cho thị trường nội địa mà còn được bán đến nhiều nước trên thế giới, trải dài từ vùng Đông Nam Á tới tận vùng Trung Cận Đông xa xôi.

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long - kinh đô của Đại Việt, những đồ gốm đặc sắc của Champa cũng đã được tìm thấy. Đây là bằng chứng sống động, phản ánh vai trò và sự góp mặt quan trọng của gốm Chăm trong đời sống Hoàng cung Thăng Long xưa.

Ở Đông Nam Á, gốm Chăm Bình Định được tìm thấy tại đảo Tuiman (Malaysia) và di chỉ mộ táng ở Santa Ana, bán đảo Calatagan và hàng loạt di chỉ khác trên các quần đảo ở Philippines. Tại Indonesia và Brunei, gốm Chăm Bình Định cũng được tìm thấy tại các di tích đền thờ Hồi giáo nổi tiếng hay trong các di chỉ cư trú hoặc mộ táng.

Nghệ nhân làng gốm Chăm làng Bàu Trúc chế tác đồ gốm.

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, nhưng gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, giữ được hồn tinh túy và nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)…

Bằng đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ Chăm đã tạo ra những sản phẩm mang nét thô sơ, mộc mạc, mang đậm giá trị văn hóa tộc người. Nguyên liệu sản xuất đồ gốm là đất sét, cát, nước và cách pha chế, cách nung và tạo màu sắc, hoa văn làm nên tính độc bản của từng sản phẩm của làng gốm nơi đây. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm. Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 - 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C. Dụng cụ làm gốm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, và vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm.

Gốm Chăm cổ của các nhà sưu tập tư nhân được tìm thấy ở địa bàn Tây Nguyên.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, đồ gốm của người Chăm vẫn còn lưu lại dấu ấn khá nổi bật trong đời sống vật chất và tinh thần của các tộc người. Từ thời xưa, người Chăm đã mang các sản phẩm của mình làm ra - chủ yếu là ché - lên bán, trao đổi cho đồng bào Tây Nguyên. Điều đáng nói là nghề gốm và kỹ thuật làm đồ gốm của người Chăm cũng đã ảnh hưởng đến nghề làm đồ gốm của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Vì một thời dài người Chăm chiếm cứ và sinh sống ở vùng Tây Nguyên. Họ là bậc thầy trong nghề làm gốm đất nung, cho nên đi đến đâu người Chăm cũng có thể hướng dẫn, truyền dạy cho cư dân tại chỗ cách làm gốm.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 29/11/2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat (Ma-rốc), di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào danh sách này.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.