Multimedia Đọc Báo in

Dã quỳ, từ đâu em đến?

08:08, 28/11/2022

Hoa dã quỳ đã nở vàng rực khắp Tây Nguyên. Không cần xem ngày tháng, chỉ thấy dã quỳ nở là biết ngay tháng 11 đã đến. Chỉ cần thấy dã quỳ nở là biết Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa khô - mùa lạnh giá. Vì vậy người ta mới gọi dã quỳ là loài hoa của tháng 11, loài hoa báo hiệu mùa đông.

Không biết loài hoa hoang dã ấy có mặt ở đất này từ khi nào? Những người lớn tuổi đều nói họ sinh ra đã thấy những cây hoa vàng ấy mọc bên sườn núi rồi. Vì vậy, hầu như ai cũng nghĩ loài hoa quen thuộc ấy là thứ cây vốn có của vùng đất này. Tôi lục tìm các kho tài liệu mà không thấy sách báo nào nói dã quỳ là loài bản địa của Tây Nguyên. Từ điển mở Wikipedia cho biết: dã quỳ là cây bản địa của khu vực Trung Mỹ và trung tâm phân bố là Mexico, vì thế mà có tên gọi là “hướng dương Mexico”. Có một thông tin rất đáng quan tâm: “Tại Việt Nam, dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng. Nó được trồng khi đó để làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su”. Tuy nhiên, Wikipedia không dẫn ra nguồn tư liệu nào để xác tín cho thông tin rất quan trọng này. Nhưng dù sao đó cũng là một tín hiệu hé mở để chúng ta tìm xem: dã quỳ là loài hoa bản địa của Tây Nguyên hay là loài du nhập?

Các tài liệu thực vật học cho biết, dã quỳ có tên khoa học Tithonia diversifolia. Theo cấu tạo của tên khoa học này, dã quỳ thuộc chi thực vật Tithonia và loài Diversifolia. Tithonia là một chi thực vật có hoa thuộc họ Cúc (Asteraceae). Vì vậy, cây dã quỳ có thân, lá và nhất là hình dáng bông hoa gần giống với hoa cúc. Chi này có đến 14 loài và loài T. diversifolia (tức là loài dã quỳ ở Việt Nam hiện nay) từ Trung Mỹ đã du nhập vào vùng nhiệt đợi và cận nhiệt đới ở châu Á, Úc, châu Phi, Nam Mỹ.

Tài liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết thêm, loài Tithonia diversifolia vốn là cây hoang dại, được thuần hóa ở Mexico và lan sang các vùng khác ở Trung và Nam Mỹ và phía bắc Hoa Kỳ. Tiếp đó nó được đưa đến các vùng của châu Phi và châu Á và đã trở thành một loài hoang dại mọc xâm lấn lan rộng.

 

Nó đi đến đâu thì được người bản địa đặt cho cái tên mới: hướng dương Bolivian, hướng dương Nhật Bản, cúc Nitobe, kembang mbulan (tiếng Indonesia), Bua Tông (tiếng Thái). Tại Việt Nam, nó được đặt cho rất nhiều cái tên: dã quỳ, cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, sơn nữ hoa... Tên tiếng Anh là Wild Sunflower (hướng dương dại), tiếng Pháp: tournesol sauvage (hướng dương dại) và có khi lại dùng nguyên văn chữ “quỳ”: fleur quỳ du DA (cúc quỳ)...

Ở châu Phi, Wild Sunflower được sử dụng làm phân bón vì có nhiều chất dinh dưỡng như nitơ, phốt pho, kali. Ở Nhật Bản, vào cuối thời vua Minh Trị, một chính khách kiêm nhà kinh tế nông nghiệp, ông Nitobe Inazo, đã du nhập loài cây này vào Nhật Bản. Vì vậy, nó có tên tiếng Nhật là Nitobegiku - hoa cúc Nitobe. Ban đầu làm cây cảnh, sau đó thì làm cây thuốc và rồi trở thành cây mọc hoang dại. Tại Trung Quốc, nó đã có mặt ở vùng phía nam có khí hậu tiếp giáp nhiệt đới. Ở Đài Loan, nó được bán tại các chợ dược thảo. Tại Thái Lan, nó có tên là Bua Tông và là loài hoa nổi tiếng của tỉnh Mae Hong Son, tại đây có một lễ hội hoa Bua Tong kéo dài cả hai tháng 11 và 12.

Thông tin từ các tài liệu cho thấy dã quỳ vốn là loài thực vật hoang dã, được thuần hóa ở Mexico, lan ra các nước Trung Mỹ, Nam Mỹ, rồi du nhập đến nhiều nơi trên thế giới như châu Phi, châu Á, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng, dã quỳ - Wild Sunflower không có ở châu Âu. Vì vậy, thông tin “dã quỳ đã được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng” mà Wikipedia đưa ra, có thể là họ mang hạt giống của loài thực vật “tournesol mexicain” (hướng dương Mexico) từ vùng châu Phi, nơi có nhiều thuộc địa của Pháp, sang Việt Nam.

Trong một tư liệu mới xuất bản, bài “Ngắm hoa dã quỳ ở Ba Vì” đăng trên báo Vietnam+ của Thông tấn xã Việt Nam ngày 15/11/2021, cho hay: “Ngay từ những năm 1930, người Pháp đã đưa “dã quỳ” lên núi Ba Vì”. Một thời gian sau thì nó trở thành một thứ cỏ dại nên bị tiêu diệt trong quá trình dọn dẹp Vườn Quốc gia Ba Vì. Đến năm 2014, vườn quốc gia này bắt đầu trồng dã quỳ và phát triển thành một trong những loài hoa chủ lực tạo cảnh quan để thu hút du khách. Thông tin này còn phải truy tìm nguồn tư liệu gốc từ những năm 1930 để xác thực, tuy nhiên nó cũng cho thấy việc người Pháp di thực loài thực vật “tournesol  mexicain” tức dã quỳ sang trồng ở Việt Nam để làm phân bón ở các đồn điền là có căn cứ. Và không chỉ Tây Nguyên, dã quỳ cũng đã có mặt ở miền tây Quảng Trị, ở Lai Châu, Sơn La, Điện Biên của miền Tây Bắc, cả Sapa, Tam Đảo, Ba Vì, Sơn Tây... Phải chăng nó cũng đã được bàn tay con người mang đến đó, gieo xuống rồi thành một loài cây hoang dã của những xứ sở này.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.