Multimedia Đọc Báo in

Tinh thần cố kết cộng đồng: Nét đẹp trong văn hóa M’nông

08:25, 28/08/2022

Tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc M’nông không chỉ được bộc lộ qua hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội mà còn thể hiện sinh động, nhất quán qua các loại hình văn hóa dân gian như lời nói vần, luật tục, nghi lễ, lễ hội và tập quán, nếp sống...

Nếu như trong truyền thuyết của người Việt có nói về sự tích mẹ Âu Cơ “đẻ ra trăm trứng” thì trong kho tàng truyện cổ các dân tộc có câu chuyện về “quả bầu mẹ”, giải thích về sự hình thành, ra đời của các dân tộc anh em. Đây là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Với ý nghĩa đó, tinh thần cố kết không chỉ diễn ra trong nội bộ tộc người M’nông, tình đoàn kết Kinh - Thượng mà cả khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Hai người bạn kết nghĩa cõng nhau vào nhà - nghi thức thể hiện tình thân ái và sự gắn bó giữa hai gia đình. Ảnh: Hữu Hùng

Kho tàng lời nói vần (nao mpring) của dân tộc M’nông có nhiều câu ca, tục ngữ, thành ngữ khuyên răn, điều chỉnh hành vi, cách đối nhân xử thế của các thành viên trong cộng đồng. Mỗi câu nói đều chứa đựng, đúc kết những chuẩn mực về mối quan hệ xã hội, đề cao tính đạo lý, nhân văn. Tinh thần cố kết cộng đồng thể hiện qua sự giúp đỡ, đùm bọc nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Gia đình bà con, anh em trong họ hàng, xóm giềng trong buôn làng như “chuột một ổ, cà một nhánh”, “cùng một mẹ như đàn gà rừng”, phải dựa vào nhau mới tạo nên sức mạnh. Người M'nông luôn coi trọng các vị già làng, chủ làng là “cây đa bến nước, cây sung đầu làng”, là "người đẻ trước" có am hiểu phong tục tập quán. Khi có việc tranh chấp, chủ làng đứng ra dàn xếp, chỉ bảo, tránh những điều xích mích, hiềm thù lẫn nhau. Bên cạnh việc phân xử theo luật tục, đồng bào còn có tập quán kết nghĩa giữa các bon làng, giữa hai gia đình hay hai dòng họ khác nhau để tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Tập tục giao kết, hòa giải giữa hai “đối thủ” cũng được cộng đồng quan tâm. Sau giao kết phải xem nhau như bạn, dù có va chạm chút ít cũng phải bỏ qua, không được tranh chấp với nhau để khơi lại chuyện cũ, hoặc tìm mọi cách để trả thù nhau là không cho phép. Bon làng hai bên luôn luôn theo dõi việc chấp hành giao kết cho thật tốt, giữ gìn sự đoàn kết, thân ái và hòa thuận với nhau.

Tinh thần cố kết cộng đồng là một truyền thống đúc kết nên giá trị văn hóa cộng đồng, là nguồn động lực nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa tộc người. Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên nơi có đồng bào M’nông sinh sống đã phục dựng, tái hiện Lễ hội kết nghĩa tại buôn làng và trình diễn một số nghi thức liên quan đến ứng xử, giao tiếp, quan hệ cộng đồng như văn hóa rượu cần, văn hóa ẩm thực trong ngày hội giao lưu văn hóa cấp tỉnh, khu vực.

Hai người bạn kết nghĩa đeo vòng tay cho nhau để cầu chúc sức khỏe. Ảnh: Hữu Hùng

Trong cơn đại dịch mấy năm qua, chúng ta được chứng kiến tấm lòng thảo thơm của đồng bào M’nông, Xê Đăng, Bhanar... ở các buôn làng Tây Nguyên và bà con dân tộc Cơ Tu, Ca Dong ở núi rừng Trường Sơn khi sốt sắng, nhiệt tình gùi những bó rau, buồng chuối, búp măng, quả bầu, quả bí... chuyển về tiếp tế cho các bếp ăn ở TP. Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Món quà quý của núi rừng giúp động viên, chia sẻ những khó khăn của bác sĩ, bệnh nhân, những người ở nơi cách ly và khu phố bị phong tỏa có thêm sức khỏe và tinh thần để phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19. Ngày nay, những thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc nói chung, người M’nông nói riêng vẫn được đồng bào gìn giữ, nâng cao, trở thành tiêu chí trong các quy ước xây dựng làng bản văn hóa, gia đình văn hóa. Với vai trò chủ trì của già làng, trưởng buôn/bon, các “tổ hòa giải” được hình thành, duy trì hoạt động, kịp thời giải quyết những vụ việc tranh chấp trong nội bộ gia tộc, bà con xóm giềng hay giữa các làng bản, khu dân cư mà chưa đến mức phải có sự can thiệp của pháp luật nhà nước.

Phát huy truyền thống cố kết cộng đồng, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên ngoài việc thực hiện chính sách đại đoàn kết các dân tộc còn triển khai tốt việc kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các xã thuộc địa bàn dân tộc thiểu số để giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội. Bà con đồng tộc dân tộc M’nông sinh sống dọc biên giới Việt Nam - Campuchia còn tổ chức thăm hỏi, kết nghĩa lẫn nhau, trao đổi sản phẩm, đặc sản địa phương, giao lưu văn hóa, thể thao, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, củng cố quốc phòng.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc