Multimedia Đọc Báo in

Lễ kết nghĩa của dân tộc M’nông

14:26, 22/05/2011

Cũng như một số dân tộc khác, dân tộc M’nông có Lễ kết nghĩa anh em (tâm ntung Jiăng). Luật tục quy định rõ những trường hợp, đối tượng được phép kết nghĩa anh em với nhau. Theo đó, những người cùng chung một tộc, cùng một gốc gia phả, cùng một ông bà tổ tiên sinh ra, dù ở gần hay ở xa đều là bà con thân thuộc, đã là bà con thì không được kết nghĩa. Những người khác tộc nhưng có quan hệ hôn nhân như sui gia, thông gia cũng không được kết nghĩa. Giữa hai người nếu không đọc được gia phả thì có thể kết nghĩa tạm thời, khi nào tìm ra gia phả thì xóa bỏ kết nghĩa trở lại quan hệ bà con. Việc kết nghĩa hai bên phải hoàn toàn tự nguyện, vô tư, không bên nào bắt buộc bên nào. Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, bảo đảm kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Hai bên con cháu coi nhau như anh em một nhà, khi có việc gì khó khăn, thiếu hụt giúp đỡ nhau không kể công, kể nợ.

Thầy cúng đang tiến hành nghi lễ Kết nghĩa anh em cho hai cặp vợ chồng. (Ảnh: Hữu Hùng)
Thầy cúng đang tiến hành nghi lễ Kết nghĩa anh em cho hai cặp vợ chồng. (Ảnh: Hữu Hùng)

Lễ kết nghĩa được tiến hành như sau: khi hai bên đã nhất trí làm bạn kết nghĩa, họ gặp nhau để tiến hành các nghi lễ linh thiêng. Tại nhà mỗi bên khi diễn ra lễ kết nghĩa phải mời cả hai vợ chồng của bạn mình đến, nếu có cả mấy đứa con của bạn càng tốt. Gia đình người đứng ra mời giết một con lợn, bưng một chóe rượu cần ủ lâu ngày để mời khách. Người ta hút rượu đầu cho vào chén rồi hòa với huyết heo, với một tí đất và chích máu của hai người, mỗi người một giọt hòa vào chén rượu rồi cùng khấn vái. Lời khấn có đại ý như sau: báo cáo các Thần Trời, Thần Đất kể từ buổi lễ này hai người chúng tôi thành một dòng máu, như anh em ruột thịt. Chúng tôi phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau và bảo vệ nhau đến đời con, đời cháu mai sau. Không bên nào được làm hại bên nào. Nếu người nào rắp tâm làm hại bạn mình thì Thần Trời, Thần Đất trừng phạt. Khấn vái xong mỗi người uống một hớp rượu hoà với máu. Một thời gian sau, người được mời cũng tiến hành nghi lễ tương tự như thế tại nhà của mình. Từ ngày đó hai bên gia đình coi nhau như anh em ruột thịt, họ gọi nhau bằng jiăng (bạn kết nghĩa), con của jiăng gọi bằng con thăm, con cái gọi cha mẹ hai bên là me thăm, bab thăm, chú bác, cô dì của bên kia cũng gọi như thế, chỉ thêm từ thăm có ý nghĩa là bạn kết nghĩa.

Đã kết nghĩa rồi con cháu của hai bên không được cưới gả cho nhau, nếu có quan hệ hôn nhân, quan hệ tình dục đều khép vào tội loạn luân vì hai bên đã uống chung một giọt máu. Trường hợp vi phạm thì phải cúng tạ lỗi với trời đất. Từ ngày làm lễ kết nghĩa hai bên có thể coi nhà bạn mình cũng như nhà của mình, nếu cần thứ gì cứ tự nhiên sử dụng như của nhà mình. Con cháu của hai bên không được làm hại nhau, nếu người nào làm trái điều quy định này trời đất sẽ trừng phạt. Họ thường xuyên thăm viếng, động viên, giúp đỡ nhau. Nếu nhà bạn kết nghĩa ở cách xa thì vài ba năm phải đến thăm một lần, mỗi lần đến thăm phải mừng bạn bằng một vài chóe rượu, con lợn. Dù khó khăn đến mấy cũng phải đãi bạn ăn con gà và một vài chai rượu nhỏ. Nếu bạn mình ở chung một làng thì mỗi lần có việc cúng kiếng, ăn uống luôn luôn phải mời bạn đến chung vui.

 

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.