Multimedia Đọc Báo in

Cờ Tổ quốc giữa trùng dương

10:24, 25/08/2022

Trong lịch sử lực lượng DK1 có câu chuyện về sự hy sinh của một anh hùng liên quan đến lá cờ Tổ quốc, đó là Anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương, người anh hùng duy nhất cho đến nay của DK1…

Ôm lấy cờ trước lúc hy sinh

Đầu tháng 12/1998, cơn bão Faith quét qua vùng biển DK1, nơi có hàng trăm chiến sĩ hải quân đang đồn trú trên những nhà giàn chênh vênh giữa trùng khơi. Trong khi hàng nghìn tàu cá của ngư dân đã vào bờ trú ẩn an toàn, thì ở các căn cứ hải quân Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu, mọi người bắt đầu lo lắng về các nhà giàn, cho tính mạng đồng đội. Lệnh báo động từ Sở Chỉ huy: Tất cả các nhà giàn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đối phó với tình trạng rung lắc do bão gây ra, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ.

Hình ảnh Tổ quốc thiêng liêng hiện thân

trong sắc cờ đỏ sao vàng.

Đại úy Vũ Quang Chương, trong giờ phút sinh tử ấy vẫn không quên bổn phận của người chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc mình. Lo cho anh em trên giàn nhảy xuống biển xong, trước khi rời nhà giàn, anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, bởi vì nếu không đóng cửa, khi nhà giàn đổ thì anh em sẽ  bị nước  xoáy hút vào bên trong, không thể thoát ra được. Rồi anh nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, Chương lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình. Lúc đó là 3 giờ 50 sáng 13/12/1998.

Tròn 15 năm sau, cũng vào ngày 13/12/2003, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương.

Câu chuyện lá cờ được người lính ôm theo khi hy sinh ám ảnh trong tôi mỗi khi nghĩ về biển Đông, nghĩ về Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa.

Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào biển Đông, trong những chiếc tàu lao ra giữ chủ quyền biển đảo không chỉ có tàu của Hải quân mà cả tàu ngư dân. Một trong số những chiếc tàu ngư dân như thế bị sự cố bốc cháy, theo lời kể lại, khi tàu cháy, vật đầu tiên mà những ngư dân ôm theo cột chặt vào ngực là lá cờ Tổ quốc, không chỉ là tình yêu thiêng liêng, mà còn nếu không thể sống sót, nếu tìm được xác, lá cờ được cột chặt vào nhóm người chìm tàu ấy sẽ giúp người ta biết: đây là công dân Việt Nam!

Mỗi lá cờ là một câu chuyện, và giữa trùng khơi những câu chuyện về lá cờ Tổ quốc luôn quá đỗi thiêng liêng!

Lá cờ kỷ vật ở Trường Sa

Năm 2001, đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” chuyến đi số 1 đã mang về một kỷ vật là lá cờ bạc màu nắng gió sau hai tuần lênh đênh qua hàng chục điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Lá cờ Tổ quốc ấy đã kiêu hãnh tung bay trên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn, sắc đỏ của cờ đã bạc theo nắng gió đại dương, hơi muối biển mặn đã thấm vào từng thớ sợi khiến vải cờ khô cứng. Khi Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn thay mặt anh em chiến sĩ trên đảo trao lá cờ Tổ quốc cho Trưởng đoàn là anh Phan Văn Mãi, khi ấy là Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay là Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh) và nghiêm chỉnh đưa tay chào theo điều lệnh, nhiều đại biểu đã không nén nổi xúc động. Càng xúc động hơn khi sau đó, những công dân tí hon của Trường Sa đã đứng dưới cột mốc chủ quyền của đảo hát vang những bài ca thiếu nhi dành tặng cho đoàn hành trình. Trùng dương mênh mông nhưng đảo xa không bao giờ đơn lẻ, tiếng hát trẻ thơ và lá cờ kỷ vật ấy như một lời hứa với tiền nhân về sự tiếp nối bất tử của toàn vẹn chủ quyền!

Anh Phan Văn Mãi nhận từ tay Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Đảo trưởng Trường Sa lớn lá cờ Tổ quốc đã bạc màu nắng gió trên cột mốc chủ quyền ở đảo vào tháng 5/2009.

Biểu tượng cụ thể nhất của chủ quyền đất nước chính là quốc kỳ. Để giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, nhiều người lính Trường Sa quấn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn, rồi lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt, cuốn lấy hình hài anh gục xuống nền san hô giữa đại dương. Những người lính nhà giàn giữ thềm lục địa trước khi nhà đổ, phút cuối cùng biết không thể thắng được sức mạnh cuồng phong đã ôm lấy lá cờ Tổ quốc như ôm lấy chính hình hài đất nước và thanh thản chìm vào biển thẳm.

Bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh lẫm liệt, về những máu xương ngã xuống bên sắc cờ Tổ quốc giữa trùng khơi, nhưng phải phút giây này, chuyền tay nhau ôm lá cờ đã thấm đẫm mưa nắng Trường Sa vào lòng, chúng tôi hiểu rằng giữa trùng dương cách trở với đất liền này, lá cờ là hiện thân gần gũi nhất của quê hương. Có phải thế chăng mà trên những đảo chìm, đảo nổi ở đây chúng tôi luôn thấy hiện diện hình ảnh lá cờ với một “mật độ” dày đặc.

Những tòa nhà trên đảo chìm được xây theo hình tháp khối đa giác. Ngoài lá cờ trên nóc, những mặt tiền của tòa nhà đều được đúc hẳn lá cờ vào tường với ngôi sao vàng đắp nổi. Ở bất cứ phía nào từ biển, nhìn vào đảo chìm cũng thấy hình ảnh lá cờ nổi bật sắc đỏ thắm như một ấn chỉ thiêng liêng, như những câu thơ của Lý Thường Kiệt chúng tôi đã gặp ở khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Tổng Công ty hải sản Biển Đông trên đảo Đá Tây: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.

Chào cờ trên đảo xa

Sáng 30/4/2009 sẽ là một ấn tượng khó phai mờ với những thành viên của “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” số 1. Lễ mít tinh và chào cờ kỷ niệm ngày lễ Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 diễn ra ngay trên hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh. Khi giai điệu bài Quốc ca vừa cất lên, nước mắt trào ra nóng bỏng trên gương mặt nhiều bạn trẻ. Đã có hàng trăm lễ chào cờ trong đời mỗi người, từ lúc còn mang khăn quàng đỏ ở sân trường, trong hội trường, nơi công sở cơ quan… nhưng chỉ ở đây, giữa sóng gió trùng dương này, Tổ quốc hiện thân trên sắc cờ đỏ vừa thiêng liêng, vừa dạt dào xúc cảm. Chắc chắn một điều không phải ai cũng có cơ hội được chào cờ vào một thời điểm thiêng liêng như thế này ở Trường Sa. Và những ngày sau đó, khi Quốc ca cất lên ở các buổi lễ tưởng niệm, dù ở trên các đảo hay trên boong tàu giữa thềm lục địa, chúng tôi đã thấy những giọt nước mắt cảm kích xúc động lăn trên gương mặt những bạn trẻ tham gia.

Ảnh minh họa: Đức Văn

Cũng chính vì thế mà Đại tá Đinh Gia Thật, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân (cấp hàm vào thời điểm đó, sau này ông là Phó đô đốc, Chính ủy Quân chủng), trưởng đoàn công tác phát biểu tại lễ mít tinh ở đảo Phan Vinh đã nhấn mạnh: “Đây là một buổi lễ đặc biệt, ở một địa điểm đặc biệt, trong một thời khắc đặc biệt với những cảm xúc đặc biệt”. Cảm xúc ấy càng dâng trào khi tất cả anh em chiến sĩ trên đảo cũng như các thành viên trong đoàn được nghe Đại tá Đinh Gia Thật dẫn lại phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (lúc ấy  là Bộ trưởng Quốc phòng) tham dự lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa vào ngày 7/5/1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

Lời hứa ấy đã được những người lính ở Trường Sa giữ vẹn với tiền nhân bằng chính sinh mạng của mình. Những nấm mộ của ba liệt sĩ trên đảo Trường Sa Đông nằm gối đầu lên bãi đá san hô, ngay hàng thẳng lối như đội hình một tổ chiến đấu như thể ngay cả khi đã hy sinh các anh vẫn muốn ở trong đội hình cùng đồng đội ngày đêm gìn giữ chủ quyền đất nước. Khi tất cả chúng tôi làm lễ dâng hương tưởng niệm ở đó, trên bia mộ các anh, hình ảnh lá cờ Tổ quốc cũng được khắc trên tấm bia mộ bằng đá hoa cương đen, một ngôi sao vàng nội tiếp trong một hình tròn nền đỏ.

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.