Multimedia Đọc Báo in

Triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

15:38, 21/04/2022

Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng và đại diện các sở, ngành, địa phương.

ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị (Nguồn: chinhphu.vn)

Thời gian qua, Chương trình xây dựng NTM đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn. Tính đến ngày 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã; có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 34,1%; có 15 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Đến năm 2025, Chương trình phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM… Dự kiến ngân sách bố trí cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu trên 196 nghìn tỷ đồng.

ảnh
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 – 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 – 5%/năm.

Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Chương trình có 7 dự án thành phần và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, đến nay Đắk Lắk đã có 71 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 46,7%. Đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, tuy nhiên hiện tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3 – 4%/năm, toàn tỉnh có trên 65% số xã đạt chuẩn NTM. Đắk Lắk mong muốn các cấp, bộ, ngành quan tâm hỗ trợ tỉnh hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, nhất là việc nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn kết nối các xã, huyện, phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu ý kiến.

Phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. Do đó, lãnh đạo các địa phương cần tập trung chỉ đạo, thống nhất; đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ban chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa hướng dẫn của Trung ương; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia… Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành được phân công phải khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.