Multimedia Đọc Báo in

Phản ứng của Nga trước việc G7, NATO cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine

09:00, 13/07/2023

Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đã thông qua tuyên bố chung với các đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.

Điện Kremlin coi quyết định này có thể gây ra "những hậu quả rất tiêu cực trong trung, dài hạn và thậm chí là ngắn hạn." Trước đó, NATO cũng đã thông qua gói hỗ trợ kéo dài nhiều năm cho Ukraine.

Theo tài liệu được thông qua, các nước G7 cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine tới chừng nào nước này còn cần, cũng như cung cấp vũ khí hiện đại cho Kiev. Đặc biệt, ở đây đang nói về hệ thống pháo binh, máy bay chiến đấu cũng như tên lửa tầm xa và hệ thống phòng không.

Ngoài ra, đại diện của G7 sẽ tiến hành huấn luyện cho quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine. Đổi lại, chính quyền Ukraine cam kết thực hiện các cải cách chống tham nhũng, cũng như các chuyển đổi trong lĩnh vực hành chính công.

Ảnh minh họa (nguồn: reuters)
Ảnh minh họa: reuters

Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, "bằng cách cung cấp bất kỳ đảm bảo an ninh nào cho Ukraine, các quốc gia này thực sự đang phớt lờ nguyên tắc quốc tế về tính không thể chia cắt của an ninh. Tức là bằng cách cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine, họ xâm phạm an ninh của Liên bang Nga". Ông lưu ý, quyết định này có thể gây ra "những hậu quả rất, rất tiêu cực trong trung, dài hạn và thậm chí là ngắn hạn"        

Trong diễn biến liên quan, trên Twitter, bình luận về việc thành lập Hội đồng Ukraine-NATO, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhắc lại rằng, vào năm 2002, hội đồng Nga-NATO tương tự đã được thành lập. Tuy nhiên, hiện nay liên minh và Liên bang Nga đang trên bờ vực chiến tranh, hay nói đúng hơn là bên kia bờ vực.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua gói hỗ trợ kéo dài nhiều năm cho Ukraine, bao gồm 3 yếu tố. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết gói này bao gồm kế hoạch hỗ trợ nhiều năm để đạt được khả năng tương tác với NATO, thành lập Hội đồng NATO-Ukraine và bãi bỏ các điều kiện để hoàn thành kế hoạch hành động thành viên, điều này sẽ giảm quy trình gia nhập từ hai bước thành một.

Theo Tổng thư ký Stoltenberg, các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong liên minh đã xác nhận rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO khi các đồng minh quyết định rằng các điều kiện được đáp ứng.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc