Multimedia Đọc Báo in

Cần nâng cao hơn nữa học vấn đối với người học lái xe

08:04, 25/02/2024

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có nhiều quy định siết chặt hơn công tác đào tạo lái xe như: Tăng độ khó trong các kỳ thi sát hạch lái xe bằng cách tăng bộ đề từ 450 lên 600 câu hỏi; rút ngắn thời gian làm bài lý thuyết và thời gian thi thực hành trong hình…

Tuy nhiên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cũng cần quy định về trình độ học vấn của người học lái xe ô tô để người học có thể tiếp thu tốt nhất các kiến thức liên quan đến lái xe, hướng đến tất cả lái xe có trình độ, nhận thức cao hơn về nghề nghiệp - ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông.

Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi tại Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) quy định điều kiện đối với người học lái xe có hai mục đề cập đến trình độ học vấn, là: Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe trình độ văn hóa theo quy định; Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc tương đương trở lên.

Một vụ tai nạn xảy ra giữa xe tải và xe bồn trên đường Hồ Chí Minh.

Theo đó, có thể hiểu: Trừ hai trường hợp nâng hạng lên hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc bằng cấp tương đương trở lên; còn lại các học viên học lái xe các hạng khác thì trình độ học vấn có thể bằng hoặc thấp hơn bậc THCS?

Với yêu cầu trình độ học viên như vậy và thời gian đào tạo cho lái xe B2 chỉ là 3 tháng, hạng C là 6 tháng…, người học chỉ biết đưa chìa khóa vào bật nổ máy, vào số tới là chạy tới, vào số lùi thì chạy lui… không cần biết tới nguyên lý cấu tạo, nguyên lý hoạt động của động cơ? Không thể biết vì sao xe ô tô số sàn phải đạp ly hợp (côn) mới vào được số, không hiểu vì sao xe số tự động chỉ dùng chân phải để điều khiển bàn đạp phanh, ga? Không biết tới sức bền vật liệu của các chi tiết máy, không thể biết phanh (thắng) còn tác dụng hay đã hỏng? Không biết thế nào là chăm sóc hàng ca, hàng kíp, không biết định kỳ chăm sóc, bảo dưỡng… để chiếc xe luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Không phải lái xe nào cũng có thể trả lời được những câu hỏi tưởng chừng rất cơ bản ấy!

Học viên lái xe hạng D và E (xe khách), thời gian học nâng hạng là chẳng bao nhiêu, qua kỳ thi sát hạch thì nghiễm nhiên được phép điều khiển chiếc xe từ 30 chỗ trở lên. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu lái xe khách chuyên nghiệp có thể hiểu thế nào là lực quán tính? Thế nào là lực ly tâm, lực ma sát, lực đẩy? Khi điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ xảy ra ma sát lăn, trời mưa sẽ xuất hiện ma sát trượt là thế nào? Vào các khúc quanh cua gấp, khi xuống dốc, làm thế nào thực hiện các thao tác để hạn chế thấp nhất sức văng do lực ly tâm, lực đẩy do quán tính, các quăng quật, xô đẩy, các tác nhân tác động bất ngờ do khách quan, do tình trạng mặt đường gây ra? Và tính toán giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe là bao nhiêu cho phù hợp?

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mới xảy ra vào ngày 18/2/2024 trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) làm ba người chết, hai người bị thương. Theo camera ghi lại, chiếc xe ô tô con vượt phải, cắt mặt xe đầu kéo ở làn đường cấm vượt dẫn đến va chạm. Xe ô tô con bị ô tô đầu kéo hất văng qua phần đường ngược chiều và bị xe tải tông trực diện, làm chiếc xe này lăn xuống vực.

Nguyên nhân tai nạn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng ở góc độ lái xe chuyên nghiệp, đa số đều cho rằng: Người điều khiển ô tô con không biết luật, hoặc cố tình vượt phải ở phần đường cấm vượt; tệ hơn nữa, người lái chiếc xe này đã không quan sát, không tính toán được khoảng cách an toàn giữa hai xe dẫn đến tai nạn thảm khốc. Quan sát clip ghi lại cho thấy: Người điều khiển xe đầu kéo cũng không có dấu hiệu giảm tốc độ khi biết có xe con đang vượt. Tương tự, ở phần được ngược lại, người lái chiếc xe tải cũng không phanh giảm tốc độ khi phía trước có hai chiếc xe đang chạy tốc độ…

Hiện trường một vụ va chạm giữa ô to và xe máy.

Vụ tai nạn là một ví dụ điển hình về việc phán đoán, xử lý tình huống, cũng như khả năng tính toán khoảng cách an toàn giữa các xe của các bác tài.

Để có thể ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn tương tự và đào tạo người học lái xe trở thành những tài xế có phẩm chất đạo đức, có tay nghề vững vàng, tự tin tham gia giao thông an toàn thì Bộ Giao thông vận tải cần sớm triển khai rà soát, kiểm tra cũng như sớm có quy định nâng cao hơn nữa điều kiện về học vấn đối với lái xe. Đối với lái xe các hạng B2 trở xuống nên bắt buộc trình độ học vấn tối thiểu phải tốt nghiệp THCS trở lên. Hạng C lái xe tải trên 3,5 tấn và xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên bắt buộc phải có trình độ học vấn từ THPT trở lên. Quyết tâm đình chỉ học tập những người cố tình sử dụng bằng cấp giả, sàng lọc thật kỹ để không bỏ sót những những học viên không đáp ứng được yêu cầu về trình độ học vấn vẫn được học lái xe...   

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc