Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao nhận thức về an ninh mạng

08:18, 22/02/2024

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, không gian mạng đã trở nên không thể thiếu đối với đa phần người dân và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, còn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, mỗi người dân phải chủ động nâng cao nhận thức về an ninh mạng để tự bảo vệ trước các loại tội phạm mạng, không để thiếu hiểu biết dẫn đến vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tin, trong năm 2023, cả nước ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 12.846 cuộc tấn công mạng (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022); số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 456.699 địa chỉ (giảm 4,7% so với năm 2022); gần 125.000 nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng. Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo; bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến.

Các thí sinh được trao giải Nhì cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhằm trang bị cho người dân những kiến thức về an ninh mạng. Trong đó, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng; ứng xử và phòng tránh thông tin giả, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng” là một trong những giải pháp đã được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL) tỉnh triển khai thực hiện.

Bà Phan Thị Hồng Thắng, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐPHPBGDPL tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc thi, Ban tổ chức cuộc thi đã tham mưu HĐPHPBGDPL phát động cuộc thi trên địa bàn tỉnh, đôn đốc tham gia cuộc thi và phổ biến kế hoạch, thể lệ, tài liệu liên quan trên website của cuộc thi và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Bên cạnh đó, để vận động, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn tham gia cuộc thi, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã hưởng ứng tuyên truyền, phổ biến, truyền thông về cuộc thi bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Chính vì vậy, từ ngày 15/10/2023 đến hết ngày 30/11/2023, cuộc thi đã thu hút 38.416 người đăng ký tài khoản tham gia thi với 56.100 lượt thi. Đối tượng đăng ký tham gia thi nhiều nhất là học sinh với 26.740 người (chiếm khoảng 69,6%); viên chức với 6.353 người (chiếm khoảng 16,5%); tiếp theo là công chức, công an, sinh viên. Về độ tuổi thí sinh tham gia, có 26.929 thí sinh dưới 18 tuổi dự thi; 4.123 thí sinh thuộc độ tuổi 18 đến 35 tuổi; 7.014 thí sinh thuộc độ tuổi 35 đến dưới 60 tuổi; 68 thí sinh trên 60 tuổi.

Cuộc thi không chỉ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, chuyển tải nhiều quy định pháp luật liên quan đến sử dụng, ứng xử và bảo mật thông tin trên không gian mạng cho các đối tượng tham gia mà còn xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và đặc biệt là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng trao giải Nhất cho thí sinh Hoàng Thị Viên.

Xuất sắc đoạt giải Nhất của cuộc thi, chị Hoàng Thị Viên (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) chia sẻ: “Là một lao động tự do, đang sinh sống tại địa bàn mà có rất nhiều người đã bị lừa đảo trên không gian mạng nên tôi đã chủ động dành thời gian tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức để phòng tránh lừa đảo nhằm bảo vệ tài sản của mình”.

Còn Thượng úy Đỗ Thị Lệ Hằng (cán bộ Đội An ninh - Công an huyện Krông Năng), người đoạt giải Ba cho biết: “Qua cuộc thi này, giúp chúng tôi có cơ hội để tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn các quy định về Luật An ninh mạng, các biện pháp phòng, chống tin giả và các cách thức để hoạt động trên không gian mạng một cách an toàn. Ngoài ra, việc tìm hiểu rõ các quy định này cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc của chúng tôi, cũng như tuyên truyền cho nhân dân hiểu và sử dụng không gian mạng bảo đảm an toàn”.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.