Multimedia Đọc Báo in

9 tháng năm 2023: Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa bền vững

14:07, 10/10/2023

Sáng 10/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh.

Điểm cầu các địa phương dự hội nghị.
Điểm cầu các địa phương dự hội nghị.

9 tháng năm 2023, tình hình TTATGT trên phạm vi cả nước cơ bản được đảm bảo. Tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ TNGT, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%). Một số địa phương có số người chết do TNGT giảm sâu như TP. Hồ Chí Minh giảm 81 người (giảm 16,5%); TP. Hà Nội giảm 100 người chết (giảm 32,1%); tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 59 người chết (giảm 41,3%)…

Bên cạnh kết quả đạt được, một số địa phương có số người chết do TNGT tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: tỉnh Hà Tĩnh tăng 88,3%, tỉnh Thanh Hóa tăng 86,9%; Đồng Nai tăng 68,8%; tỉnh Đồng Tháp tăng 38,2%... Toàn quốc còn xảy ra 22 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người; 97 vụ ùn tắc giao thông, tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân do TNGT chiếm gần 64% số vụ, do sạt lở đất chiếm 13,4% số vụ, do lưu lượng phương tiện đông chiếm 7,2%...

Tại tỉnh Đắk Lắk, 9 tháng năm 2023 xảy ra 155 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 61 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 14 vụ (giảm 8,3%), giảm 1 người chết (giảm 0,7%), giảm 16 người bị thương (giảm 20,8%).

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, đại diện Ban ATGT các tỉnh, thành phố đã thảo luận về những kết quả, cũng như tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT tại địa phương. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm để thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 9 tháng năm 2023, tình hình TTATGT trên phạm vi toàn về cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, TNGT có giảm nhưng chưa thực sự bền vững, không đạt mục tiêu đặt ra.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương ít nhất 5% so với năm 2022, Bộ trưởng yêu cầu, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương có TNGT tăng cao; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ nội dung công điện bảo đảm TTATGT dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2024. Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xử lý điểm tiềm ẩn TNGT. Bộ Công an tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tổng kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên. Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo hướng siết chặt quy trình khám sức khỏe lái xe.

Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao cần tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT. Đồng thời, đưa nội dung bảo đảm TTATGT vào các cuộc giao ban hàng tháng của cấp ủy, cuộc họp HĐND, UBND các cấp để phân tích, đề xuất giải pháp hiệu quả…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.