Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ môi trường từ dịch vụ thu gom rác thải

08:19, 13/12/2022

Gần 3 tháng qua, từ khi Tổ hợp tác dịch vụ môi trường Thanh niên xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) được thành lập và đi vào hoạt động, việc thu gom, vận chuyển rác thải của người dân đã không còn là nỗi lo; cảnh quan môi trường khu vực nông thôn cũng trở nên sạch - đẹp.

Như nhiều địa phương khác, trước đây, trên địa bàn xã Dur Kmăl thường xuyên xuất hiện những bãi rác tự phát dọc các tuyến đường ít người qua lại, khu vực đèo buôn Triết và các khu vực ngã ba… Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương gây nhiều bức xúc trong cộng đồng và cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Trước thực trạng đó, vào các ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, Đoàn Thanh niên xã thường tổ chức ra quân thu gom, vệ sinh môi trường ở các “điểm đen” này, nhưng cũng chỉ xử lý được phần nào. 

Nhân viên thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình trên địa bàn thôn Sơn Thọ.

Trăn trở trước tình hình ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt của người dân địa phương ngày càng nghiêm trọng, đầu tháng 10/2022, Đoàn xã Dur Kmăl đã vận động đoàn viên, thanh niên địa phương cùng đứng ra thành lập Tổ hợp tác dịch vụ môi trường Thanh niên (gọi tắt là Tổ hợp tác) với nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. 6 đoàn viên, thanh niên đã tham gia góp vốn với số tiền 200 triệu đồng để thành lập Tổ hợp tác và mua xe máy cày làm phương tiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, Tổ hợp tác thuê thêm hai lao động là để thực hiện thu gom với mức phí chi trả 500 nghìn đồng/người/ngày thu gom.

 

“Mô hình Tổ hợp tác dịch vụ môi trường Thanh niên không chỉ góp phần từng bước nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường mà đó còn là động lực thúc đẩy, phát triển phong trào khởi nghiệp trong thanh niên” - anh Hoàng Văn Nghị, Bí thư Đoàn xã Dur Kmăl.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Buôn Triết) chia sẻ, trước đây, do tập quán sinh hoạt cũng như ý thức bảo vệ môi trường chưa cao nên việc xử lý rác thải hằng ngày của người dân chủ yếu là đốt, hoặc là vứt bỏ ra các khu vực công cộng, nơi ít người qua lại. Từ khi có Tổ hợp tác thu gom, gia đình chị rất đồng tình, hưởng ứng đăng ký dịch vụ ngay, không còn lo việc xử lý rác như trước đây.

Hiện nay, Tổ hợp tác đã thực hiện thu gom rác của gần 200 hộ dân trên địa bàn thôn Buôn Triết, thôn Sơn Thọ và buôn Dur 1 với mức phí thu gom 5 nghìn đồng/khẩu/tháng (đối với thôn Buôn Triết) và 20 nghìn đồng/hộ/tháng (đối với hai thôn, buôn còn lại); thời gian thu gom vào các ngày 3, 13 và 23 hằng tháng. Theo đó, vào những ngày này, các hộ dân sẽ đưa rác để hai bên trục đường chính để nhân viên Tổ hợp tác thu gom rồi đưa ra bãi rác tập trung của huyện xử lý, trung bình mỗi đợt thu gom gần 3 tấn rác.

Anh Hoàng Văn Nghị, Bí thư Đoàn xã Dur Kmăl, thành viên Tổ hợp tác bày tỏ: “Mục đích thành lập Tổ hợp tác nhằm góp phần chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương và các bà con nhân dân trong xã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, do không có đơn vị thu gom rác nên nhiều hộ dân đã chọn những đoạn đường ít người qua lại để tập kết rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không những thế, mục tiêu chúng tôi hướng đến là thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác thải. Đây cũng là hoạt động thiết thực để xã Dur Kmăl sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, tạo cảnh quan cho các khu dân cư luôn xanh - sạch - đẹp”.

Rác thải của các hộ dân được thu gom đưa đi xử lý.

Được biết, do Tổ hợp tác mới đi vào hoạt động cũng như do nhận thức của người dân chưa cao nên tỷ lệ đăng ký dịch vụ thu gom rác trên địa bàn xã còn hạn chế, hiện chỉ mới có người dân của 3/7 thôn, buôn sử dụng dịch vụ. Vì thế, nguồn phí thu được của Tổ hợp tác không đủ để chi trả các khoản thuê lao động, xăng xe. Dù vậy, với mục tiêu hướng đến là nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng nên Tổ hợp tác vẫn thực hiện thu gom theo lộ trình đề ra; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến các thôn, buôn khác để các hộ dân hiểu và đăng ký sử dụng dịch vụ thu gom rác thải, đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch đẹp. Đối với các “điểm đen” về rác thải ở những khu vực chưa đăng ký hợp đồng, Tổ hợp tác sẽ bố trí thời gian để đến thu gom và đưa đi xử lý nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.