Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng “giải cứu” nông sản!

17:05, 26/10/2021

Cứ đến mùa dưa hấu lại thấy bên đường những đống dưa cùng dòng chữ viết vội: “Dưa hấu nghĩa tình, giải cứu giúp nông dân”. Hết dưa hấu lại đến rau xanh, bí đỏ, xoài, mít, vải, vịt, gà, cá... cần “giải cứu”.

Không phải chỉ trong những ngày bệnh dịch, mà trước đó, “bài ca giải cứu” đã liên tục rộ lên theo mỗi vụ mùa nông sản. Và có vẻ như “điệp khúc” đó vẫn chưa dừng… Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích: do thương lái không mua, do hàng hóa dồn ứ ở cửa khẩu, do cung vượt cầu mà không tìm được thị trường mới... và có cả nguyên nhân do được mùa nên mất giá.

Những chiến dịch “giải cứu từ thiện” đó có đúng là đã giúp ích cho nhà nông hay không? Nếu có thì tại sao Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lại khuyến cáo đừng nên giải cứu như thế?

Khi Bắc Giang vào mùa thu hoạch vải thì bệnh dịch COVID-19 tái bùng phát. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính quyền tỉnh Bắc Giang đã gửi công văn đề nghị báo chí không dùng từ “giải cứu” khi đưa tin về việc tiêu thụ vải thiều cũng như các loại nông sản khác.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng nếu cứ còn kêu gọi “giải cứu” thì sẽ làm tổn thương người nông dân và tổn thương cả ngành nông nghiệp. Ông bộ trưởng cho rằng người nông dân luôn mong muốn bán được sản phẩm của mình làm ra, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu từ thiện, vì thương cảm mà mua.

Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ảnh: Vân Anh

Cách “giải cứu” đó chỉ là biện pháp tức thời, cứ tưởng là giúp được nông dân, nhưng về lâu dài thì gây hại cho họ. Thương lái sẽ lợi dụng “giải cứu” để ép hạ giá, và nhà nông cũng chẳng hưởng lợi gì nhiều. Nếu thương nông dân, và lo cho nền nông nghiệp nước nhà thì phải thay đổi cách làm khác. Phải chấm dứt cái tư duy “tình thương mến thương” đó của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất và người kinh doanh. Phải bước qua cách làm  “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.

Không “giải cứu” thì phải có giải pháp, và phải là giải pháp căn cơ, khả thi. Giải pháp phải đồng bộ từ khâu sản xuất đến lưu thông, thị trường; từ người nuôi trồng đến người mua bán, người tiêu thụ... Quả là quá nhiều việc phải làm, không chỉ riêng Bộ NN- PTNT mà cả xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải pháp nào thì cũng phải dựa trên mối liên kết “bốn nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước. Trong đó, Nhà nước phải giữ trọng trách điều phối, và không làm thay công việc của các nhà còn lại. Để nhà doanh nghiệp biết được Đắk Lắk sẽ sản xuất được bao nhiêu bí đỏ vào vụ mùa tháng 6, Lâm Đồng có bao nhiêu hoa hồng cho vụ Tết, thì Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN-PTNT phải là nơi cung cấp đầy đủ thông tin đó.

“Một nền nông nghiệp mù mờ thông tin sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói với Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng như thế tại Hội nghị chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức hôm 18-6. Tức là ông muốn nói đến việc ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng số đang làm thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế và cuộc sống người dân hiện nay.

Lẽ nào trong thời đại hầu như người dân Việt nào cũng biết đến điện thoại thông minh kết nối Internet, mà người trồng bí đỏ ở Đắk Lắk lại không thể biết thị trường TP. Hồ Chí Minh đang cần loại rau củ gì, giá loại rau nào đang cao. 

Suốt cả năm 2021 này, Bộ NN- PTNT đã ráo riết xây dựng mô hình kết nối cung - cầu chính quy để thực hiện “liên kết bốn nhà”. Nhưng có lẽ, chỉ bốn nhà thôi (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước) chưa đủ. Cần phải có thêm “nhà bếp”, tức người tiêu thụ nông sản, mà cụ thể là “nhà bếp Việt”. Đó là thị trường tiêu thụ nội địa với gần 100 triệu dân.

Lâu nay, hầu như của gì ngon đều dành xuất khẩu. Khi không xuất khẩu được thì kêu gọi “giải cứu”. Khi đã mua “giải cứu”thì hàng chất lượng cao cũng trở thành “của ôi”. Vì vậy, hãy dành hàng Việt Nam chất lượng cao thật sự cho thị trường nội địa, để người mua hàng không phải “giải cứu”, mà mua nó như một nhu cầu thật sự.

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.