Multimedia Đọc Báo in

Trợ lực cho người yếu thế phát triển sản xuất

08:35, 03/04/2024

Những năm qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thị xã Buôn Hồ đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và tạo động lực giúp nhiều lao động tại địa phương mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, đầu năm 2023, chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ dân phố 2, phường An Lạc) đã mạnh dạn làm hồ sơ và được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Buôn Hồ cho vay 80 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư phát triển sản xuất.

Chị Hạnh cho hay, gia đình có 1 ha đất sản xuất nhưng nhiều năm nay không phát huy hiệu quả, năng suất, chất lượng không cao vì thiếu kinh phí đầu tư. Sau khi được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn, chị đã mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một ít cây giống để về trồng thay thế những cây đã già cỗi.

Nhờ đó, vụ cà phê vừa qua năng suất cao hơn các năm trước. Hiện nay, với việc trồng đa canh cây cà phê, tiêu, sầu riêng... vườn cây của gia đình chị phát triển khá tốt.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (thứ ba từ trái sang) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng với cán bộ địa phương.

Hộ anh Nguyễn Văn Tư (tổ dân phố 2, phường An Lạc) cũng được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã cho vay 80 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo vay vốn.

Sau khi được vay vốn, anh đã dành phần lớn để đầu tư vào chăm sóc cà phê, sầu riêng trên diện tích 3,5 sào đất của gia đình, hy vọng cây phát triển tốt, cho năng suất cao để cải thiện kinh tế gia đình.

Ngoài công việc vườn rẫy, vợ chồng anh còn mua thêm máy ép nước mía để buôn bán, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. 

Anh Nguyễn Văn Tư chăm sóc vườn cây để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Buôn Hồ cho hay, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đơn vị đã triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan chương trình cho vay đến tất cả điểm giao dịch tại các phường, xã trên địa bàn; phối hợp với các phòng, ban, tổ chức hội, đoàn thể từ cấp thị xã đến các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, ngân hàng thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức quay vòng, giải ngân vốn.

Tính đến cuối năm 2023, tổng doanh số cho vay chương trình chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã đạt gần 152 tỷ đồng với 3.161 lượt khách hàng vay. Trong đó, doanh số cho vay tập trung vào chương trình cho vay giải quyết việc làm là 59,6 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo gần 34,5 tỷ đồng; hộ cận nghèo gần 16 tỷ đồng; hộ nghèo trên 10 tỷ đồng...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.