Multimedia Đọc Báo in

Vải chín sớm ở Đắk Lắk: Nhiều lợi thế nhưng vẫn... bấp bênh

08:24, 22/05/2023

Do có lợi thế về chín sớm, vải đang là một trong những loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc phát triển manh mún, nhỏ lẻ đã khiến quả vải ở Đắk Lắk vẫn bấp bênh.

Mùa vải "ngọt"

Những ngày này, khu vườn của gia đình bà Đàm Thị Ngà (54 tuổi, trú thôn 3, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) tấp nập người ra vào để thu hoạch và vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ. Với diện tích 2 ha, trồng khoảng 600 gốc vải u hồng, dự kiến vụ này gia đình bà Ngà thu gần 30 tấn quả. So với mọi năm, vải năm nay được mùa, được giá, thương lái đang thu mua tận vườn với giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg tùy vào chất lượng quả, sau khi trừ toàn bộ chi phí chăm sóc và thuê nhân công thu hái, lợi nhuận ước tính thu về cho gia đình khoảng 700 triệu đồng.

Vườn vải của một hộ dân trên địa bàn xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đang bước vào thời kỳ thu hoạch.

Mặc dù trồng cây vải muộn hơn so với các hộ khác, nhưng gia đình anh Hà Văn Quân (49 tuổi, trú thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cũng đã có nguồn thu ổn định từ loại cây trồng này. Anh Quân cho biết, sau 4 năm trồng và chăm sóc cây vải đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực. “Gần một tuần nay, vườn vải của gia đình lúc nào cũng tấp nập, hơn chục nhân công làm việc cả ngày lẫn đêm vừa hái trái, vừa đóng thùng để kịp giao cho thương lái. Dự kiến năm nay, vườn vải 2 ha sẽ cho sản lượng khoảng 25 - 30 tấn, nếu giá bán luôn giữ ở mức 30.000 đồng/kg thì lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác”, anh Quân phấn khởi.

Thương lái thu mua vải trên địa bàn huyện M'Drắk để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.570 ha trồng vải, trong đó diện tích cho sản phẩm 1.358 ha; năng suất bình quân trên 10 tấn/ha; sản lượng đạt 13.696 tấn. Hiện toàn tỉnh có 9 vùng trồng vải với tổng diện tích 110 ha tại huyện Krông Năng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc; thiết lập 4 vùng trồng vải với tổng diện tích 46,96 ha tại huyện Ea Kar.

Để quả vải vươn xa

Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin cho biết, để nâng cao hơn nữa giá trị của cây vải, ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp và người trồng từng bước xây dựng thương hiệu, đưa vải thiều trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Hằng năm, ngành nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp kỹ thuật sản xuất vải thiều hiệu quả và phối hợp với các ban, ngành ở huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ tiêu thụ vải thiều.

Để liên kết xây dựng thương hiệu vải cho địa phương, ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin tiếp tục hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới đăng ký OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Ngành nông nghiệp huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để đưa vải thiều đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nông dân trên địa bàn huyện Cư Kuin thu hoạch vải chín sớm.
 
Mặc dù có lợi thế chín sớm hơn các tỉnh phía Bắc, mang lại thu nhập tốt nhưng người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng mới, không phát triển cây vải ở những vùng kém hiệu quả”.
 
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Văn Thành

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, việc liên kết phát triển chuỗi giá trị quả vải đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường (chưa có doanh nghiệp chế biến để thu mua, tiêu thụ sản phẩm tươi cho người trồng), chưa tạo được nhiều sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp. Để đầu ra của quả vải tại Đắk Lắk được ổn định, các hộ sản xuất phải liên kết lại với nhau để hình thành các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, hình thành vùng sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm có chứng nhận (VietGAP hoặc GlobalGAP).

Để cây vải phát huy được lợi thế, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền tập huấn, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm; tiếp tục xây dựng và phát triển các vùng trồng cây vải được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Thiếu đồng bộ

Với ưu thế chín sớm hơn so với vụ thu hoạch vải thiều ở các tỉnh phía Bắc, cùng với chất lượng vải phù hợp khẩu vị của khách hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra sản phẩm với giá tiêu thụ cao. Tuy nhiên, đa phần cây vải được trồng nhỏ lẻ, không tập trung; thị trường tiêu thụ quả vải hiện nay chủ yếu là trong nước và một phần xuất khẩu sang một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc. Số lượng xuất khẩu còn ít do sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường, đặc biệt là diện tích cây vải được cấp mã số vùng trồng chưa được nhiều.

Bà Chu Thị Tâm, thương lái từ tỉnh Bắc Giang chuyên xuất khẩu vải sang Trung Quốc cho biết, vì quả vải chưa đạt tiêu chuẩn về độ chín hoặc quả còn có đốm đen, cháy nắng…; cũng có nhiều nhà vườn đủ tiêu chuẩn nhưng do tâm lý để chín sợ bán không được giá (hiện giá đang giảm từng ngày) nên bà con vẫn tranh thủ bán sớm cho các thương lái tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, dịch vụ cho đóng gói sản phẩm còn rất thiếu (như thùng xốp có mã vạch do Hải quan Trung Quốc cấp để xuất khẩu; đá lạnh để bảo quản vải trong quá trình vận chuyển), do đó, doanh nghiệp buộc phải thuê container vận chuyển các thùng xốp từ các tỉnh phía Bắc vào để đóng gói, dẫn đến chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến giá thu mua. Bà Tâm cho rằng, các cấp, ngành quản lý cần quan tâm đến việc xây dựng các khâu phục vụ cho chuỗi sản xuất vải xuất khẩu, tránh sự thiếu đồng bộ như hiện nay.

Minh Thuân - Hồng Chuyên - Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.