Multimedia Đọc Báo in

Đưa vốn tín dụng ưu đãi về buôn làng

08:18, 25/05/2023

Những năm qua, đội ngũ tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn được xem là “cánh tay nối dài” của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện M’Drắk. Thông qua đội ngũ này, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến kịp thời với người dân trên địa bàn huyện.

Giúp bà con trong buôn thoát nghèo

Gia đình bà H’Liap Niê (55 tuổi) từng là hộ nghèo, đông con tại buôn M’Suốt, xã Krông Jing. Năm 2007, được NHCSXH huyện M’Drắk cho vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản, đồng thời được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, gia đình bà H’Liap đã xây dựng được mô hình kinh tế ổn định, mỗi năm gia đình bà bán từ 1 - 2 con bò thịt với giá từ 10 - 15 triệu đồng/con, vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá giả trong buôn, xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Bà H’Liap Niê chăm sóc con đường hoa kiểu mẫu trong buôn.

Kinh tế ổn định, bà H’Liap tích cực tham gia công tác xã hội. Đến năm 2010, bà được chị em phụ nữ trong buôn tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn buôn M’Suốt. Không phụ niềm tin của chị em, bà đã thu xếp chu toàn công việc gia đình, tổ chức tốt các hoạt động tín dụng và phong trào phụ nữ của buôn.

Với vai trò tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bà H’Liap thường xuyên lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt chi hội phụ nữ để tuyên truyền, vận động hội viên, người dân có nhu cầu vay vốn tham gia vào tổ, hướng dẫn làm hồ sơ, nhận đơn xin vay vốn của tổ viên; phối hợp cùng với các hội, đoàn thể, ban tự quản buôn bình xét đối tượng vay vốn một cách công khai, dân chủ. Khi ngân hàng giải ngân, bà đôn đốc tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, tránh tình trạng vay ké, vay hộ, lạm dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Định kỳ 3 tháng, bà đến từng hộ vay kiểm tra việc sử dụng vốn, động viên, thăm hỏi... qua đó kịp thời đôn đốc những hộ đủ điều kiện trả nợ gốc, đề nghị ngân hàng cho gia hạn đối với hộ còn khó khăn, cho vay lưu vụ đối với những hộ làm ăn tốt, có nhu cầu tiếp tục tái sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, tổ tiết kiệm và vay vốn do bà H’Liap quản lý có 55 thành viên, với nguồn vốn vay 2,1 tỷ đồng, xây dựng quỹ tiết kiệm được 130 triệu đồng.

Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ dân trong buôn dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Thu nhập của người dân trong buôn ngày càng được cải thiện, đời sống được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Hằng năm, buôn có trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa; buôn M’Suốt đạt buôn văn hóa nhiều năm liền.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tận tụy

Ðảm nhận chức trách tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn G’Lăn (xã Krông Jing) - địa bàn có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều nghèo khó khăn - chị H’Nhon Byă (SN 1991) luôn trăn trở làm thế nào để hội viên, người dân được vay vốn và biết cách làm cho đồng vốn sinh lời. Ngoài thời gian tuyên truyền, vận động hội viên vay vốn trong các kỳ sinh hoạt hội, chị H’Nhon tranh thủ vào các buổi tối khi các gia đình có mặt đông đủ ở nhà để đến tận nơi hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn thế nào cho hiệu quả.

Chị H’Nhon (bìa phải) vận động chị em trong buôn tham gia trồng cây xanh tại các tuyến đường nội buôn.

Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà chị H’Nhon có cách tư vấn phù hợp, với hộ này nên nuôi heo, hộ kia thì nuôi gà, vịt, đầu tư vào vườn cà phê… Chị rất vui khi có nhiều thành viên trong tổ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ đồng vốn vay của NHCSXH huyện. Nhờ sự tận tụy đó, đến nay, nguồn vốn mà tổ đang quản lý đã lên hơn 2 tỷ đồng, với 46 hộ khách hàng được vay vốn. Số thành viên trong tổ vươn lên thoát nghèo hằng năm đều tăng lên. Trong suốt 5 năm làm tổ trưởng, tổ tiết kiệm và vay vốn do chị H’Nhon quản lý không phát sinh nợ quá hạn. Không chỉ nộp gốc, lãi đúng hạn, đầy đủ, việc huy động tiết kiệm ở tổ cũng được các hộ vay hưởng ứng mạnh mẽ theo hình thức mỗi thành viên hằng tháng tự nguyện nộp từ 40.000 – 50.000 đồng.

Không chỉ là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn trách nhiệm, chị H’Nhon còn được hội viên phụ nữ ghi nhận là chi hội trưởng gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình trong công tác xã hội, khéo léo trong công tác vận động quần chúng. Từ chi hội chỉ có vài hội viên tham gia sinh hoạt hội, đến nay Chi hội Phụ nữ buôn G’Lăn đã phát triển được 60 hội viên, trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào phụ nữ ở địa phương. Chi hội đã thành lập được 3 tổ đổi công, xây dựng và duy trì mô hình “Gia đình an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc” điểm của huyện; thành lập một câu lạc bộ dân vũ là sân chơi bổ ích của hội viên và phụ nữ trong buôn.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.